Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo về nội dung chính của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sáng 13-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Tại phiên họp sáng 13-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình về nội dung chính của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các mục tiêu, quy mô và giải pháp thiết kế của dự án với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD vẫn được giữ nguyên, nhưng cũng có những điều chỉnh cụ thể.
Trong đó, Bộ GTVT xác nhận, phần lớn nhu cầu vật liệu xây dựng có thể đáp ứng từ nguồn trong nước. Riêng các thiết bị công nghệ về đầu máy và tín hiệu sẽ cần nhập khẩu, nhưng có nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng cung cấp.
Về mục tiêu chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt, dự án hướng đến phát triển năng lực nội địa hóa và chuyển giao công nghệ, dự kiến đến năm 2045 sẽ làm chủ công nghệ trong xây dựng, vận hành và bảo trì đường sắt tốc độ cao. Các doanh nghiệp trong nước được khuyến khích tham gia vào công nghiệp đường sắt và hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ tổng thầu nước ngoài.
Để hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, Bộ GTVT đề xuất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp đường sắt, nhằm thúc đẩy nền công nghiệp đường sắt trong nước.
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT yêu cầu làm rõ dự báo nhu cầu vận tải, vì các dự án giao thông trước đó từng có chênh lệch lớn giữa dự báo và thực tế, dẫn đến việc phải điều chỉnh hợp đồng. Hội đồng thẩm định cũng cảnh báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu của dự án đang được dự báo cao, tiềm ẩn rủi ro về khả năng ngân sách phải bù lỗ.
Dự án yêu cầu tổng vốn vượt xa so với các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hiện có. UBKT đề nghị xem xét kỹ lưỡng khả năng cân đối vốn từ ngân sách nhà nước cũng như tác động của dự án đến nợ công và bội chi.
“Dự án yêu cầu tổng vốn khoảng 67,34 tỷ USD, vượt xa so với các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hiện có (114% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). UBKT đề nghị xem xét kỹ lưỡng khả năng cân đối vốn từ ngân sách nhà nước và đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về phương án cụ thể để bảo đảm tính khả thi trong từng giai đoạn”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Đặc biệt, UBKT bày tỏ quan ngại về tác động của dự án đến nợ công và bội chi ngân sách. Các tiêu chí như mức bội chi và chi trả nợ trực tiếp đều có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính quốc gia trong dài hạn.
Về các cơ chế và chính sách đặc thù, UBKT đồng tình với việc cần áp dụng các cơ chế đặc thù để đảm bảo tính khả thi, nhưng yêu cầu đánh giá đầy đủ tác động và lường trước các khó khăn có thể phát sinh. Ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Cần đảm bảo rằng cơ chế đặc thù không gây ra những hiểu nhầm hoặc khó khăn trong triển khai tại các địa phương”.