Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét trong tháng 8 thì kim ngạch xuất khẩu đã đạt 60,92 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Ghi nhận thông tin từ các tham tán thương mại tại thị trường Mỹ, châu Âu… cũng cho thấy, trong 4 tháng cuối năm, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá nguyên vật liệu, xăng dầu, tiền lương, chi phí logistics tăng mạnh, trong khi tổng cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục giảm, kéo theo đơn hàng xuất khẩu càng có nguy cơ giảm mạnh hơn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng cho biết, hiện đơn vị đã nhận được đề nghị tăng giá của nhiều nhà cung ứng, trong đó có nhiều nhóm hàng hóa được đề xuất tăng giá đến khoảng 25%.
Để ứng phó với những khó khăn trong xuất khẩu, bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng, cần thiết có sự hỗ trợ từ phía thương vụ nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp cần khai thác tối đa tiềm năng thị trường mới và thị trường truyền thống.
Còn theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí - Điện tử, thương mại điện tử đang là cứu cánh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, sàn thương mại điện tử do Bộ Công Thương triển khai vẫn chưa hình thành và đây là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Để phần nào hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, bộ đang ưu tiên nguồn lực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nhập khẩu, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu ngành hàng quốc gia.
Mặt khác, Bộ Công Thương rất cần các doanh nghiệp chủ động kết nối, cung ứng năng lực sản xuất và sản phẩm. “Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại trong 6 tháng tới để tăng thêm kênh xuất khẩu cho doanh nghiệp”, ông Vũ Bá Phú thông tin.
Xác định doanh nghiệp nước ngoài, thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước là 3 trụ cột để phát triển kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thay vì chỉ tập trung xuất khẩu trực tiếp thì doanh nghiệp trong nước cần tính đến cơ hội xuất khẩu gián tiếp bằng cách tăng tỷ lệ đóng góp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống phân phối nước ngoài. Và quan trọng hơn, phải mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.