Sáng 22-7, báo cáo thẩm tra kết quả kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Chính phủ tại Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu lên nhiều "điểm nghẽn". Theo ông Thanh, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm rất lớn, trong bối cảnh nhiều chỉ số vĩ mô chưa thực sự bền vững và tình trạng sốt đất, thị trường chứng khoán nhiều thời điểm tăng nóng.
Ông Thanh phân tích, CPI bình quân nửa đầu năm chỉ tăng 1,47%, là mức thấp nhất trong 5 năm. Dữ liệu này cho thấy sức cầu trong nước yếu dù CPI tháng 5 và 6 có mức tăng "nhỉnh" hơn lần lượt là 2,9% và 2,41%. Cùng với tình trạng bong bóng tài sản, giá cả thế giới có xu hướng tăng cao như giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng hơn 5%, giá xăng, dầu bình quân tăng gần 51,4% so với cùng kỳ năm trước...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá nhóm nguyên liệu thức ăn gia súc, gia cầm cũng có dấu hiệu đi lên; giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm nay tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất hiện tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và người nông dân (chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ).
"Tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản, chứng khoán có thể gây hệ luỵ cho kinh tế vĩ mô", ông Thanh đánh giá.
"Đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Thực tế nửa đầu năm nay, chỉ số chứng khoán Vn-Index tăng 27,6%, từ 1.103,87 điểm lên 1.408,55 điểm, thanh khoản trung bình phiên tăng hơn 300% so với cùng kỳ 2020. Đóng cửa phiên giao dịch 29/6, VN-Index đạt mức đỉnh lịch sử 1.410,04 điểm, tăng hơn 27,7% so với cuối năm 2020.
Ngày 13-7, Vn-Index đạt 1.297,54 điểm. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay đã có 482.800 tài khoản chứng khoán được mở mới, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, hạ tầng công nghệ của Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) rơi vào tình trạng nghẽn lệnh, nhiều phiên phải tạm dừng giao dịch, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư, làm giảm niềm tin của thị trường.
Còn trái phiếu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản không ngừng tăng. Dẫn báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Thanh cho hay, trong 28.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tháng 5, có tới 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán).
Trong các trái phiếu lĩnh vực bất động sản, xây dựng... thì 26% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11% một năm.
Mối quan ngại nữa là nợ xấu tiềm ẩn lớn. Xu hướng nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng cũng được Chính phủ nhìn nhận trong báo cáo trước Quốc hội.
Uỷ ban Kinh tế đánh giá, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương đương 4,71%.
Nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4 là 1,78%). Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, nhưng chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48%. Hiện 54 dự án BOT, BT có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.
Mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Ông Vũ Hồng Thanh nói thêm, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, quá trình cơ cấu lại đối với 3 ngân hàng đã mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án xử lý dứt điểm.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp để "giảm lãi suất cho vay một cách thực chất".
Chính phủ cũng cần đưa ra công cụ giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại.
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; kiểm soát chất lượng tín dụng; bảo đảm an toàn hệ thống.
Về hoạt động doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ nêu, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng.
Dữ liệu của cơ quan thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, với 70.209 doanh nghiệp tăng gần 25%. Có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 22% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 51% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trước thực trạng này, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ cần duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động và tiếp tục giải pháp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có nguy cơ lây lan các ca nhiễm Covid-19 lớn, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất.
"Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19", ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ kiên định "mục tiêu kép", linh hoạt thực hiện, không máy móc, cứng nhắc, tuỳ thời điểm, tuỳ nơi, địa phương... sẽ lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa chống dịch, phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cùng đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiết kiệm chi thường xuyên 10% (không kể tiền lương), và cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp 1,47%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.
Nhiều chỉ số kinh tế khả quan, song Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhìn nhận, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, nên chưa có vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng.