Vá lỗ hổng cho VNCB

Cuối tuần qua, Vietcombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trên các mặt quản trị, điều hành và hoạt động với NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) sau khi VNCB xảy ra sự cố. Như vậy, hệ thống NHTM đang xuất hiện hình thức tiếp tục tái cơ cấu một NHTM đang tái cơ cấu.

Cuối tuần qua, Vietcombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trên các mặt quản trị, điều hành và hoạt động với NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) sau khi VNCB xảy ra sự cố. Như vậy, hệ thống NHTM đang xuất hiện hình thức tiếp tục tái cơ cấu một NHTM đang tái cơ cấu.

Hành trình VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh?

Đầu năm 2012, khi Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) đề xuất với Bộ Xây dựng thành lập NH Xây dựng Việt Nam chuyên về nghiệp vụ tín dụng bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề nghị NHNN nghiên cứu về vấn đề này. Khi nhận được đề nghị này, phía NHNN lẫn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng hệ thống NHTM đang có đến 37 NH và đều thực hiện cho vay bất động sản nên không cần thêm NH Xây dựng.

Bẵng đi hơn 1 năm, ý tưởng thành lập NH Xây dựng không được nhắc đến. Tuy nhiên, vào tháng 5-2013, NHTMCP Đại Tín (Trust Bank), một trong những NH yếu kém nằm trong diện tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN đã thông báo đổi tên thành VNCB theo Quyết định 1161 của NHNN và ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký VNRea, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.

Việc đổi tên này gây ra không ít bất ngờ, bởi trong đại hội cổ đông diễn ra trước đó vào tháng 1-2013, Trust Bank chỉ trình cổ đông phương án tái cơ cấu bán 84,04% cổ phần cho nhóm cổ đông mới. Cụ thể, Tập đoàn Thiên Thanh mua 9,76% và 20 nhà đầu tư khác sở hữu 74,37% nhưng không đề cập đến việc đổi tên. Thời điểm đó, dù được công bố chỉ sở hữu 9,76% nhưng đại hội cổ đông của NH này lại diễn ra tại trụ sở của Tập đoàn Thiên Thanh nên dư luận đã ngầm hiểu quyền chi phối NH nằm trong tay tập đoàn này. Ông Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT Thiên Thanh sau đó cũng đồng thời trở thành Chủ tịch HĐQT của VNCB.

Trước khi tham gia vào Trust Bank, Thiên Thanh sở hữu nhiều dự án lớn, như năm 2009 mua lại khách sạn Green Plaza tại Đà Nẵng với giá 350 tỷ đồng từ Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam; đầu tư để phát triển hàng chục đơn vị trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, nhà hàng khách sạn, du lịch; kinh doanh ô tô tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, TPHCM…

Năm 2011, Thiên Thanh công bố dự định phát triển nhiều dự án như xây dựng khu phức hợp Thiên Thanh Plaza tại Đà Nẵng trên nền sân vận động Chi Lăng cũ với tổng vốn dự kiến 750 triệu USD, trung tâm thương mại vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất tại TPHCM, trung tâm kinh doanh dịch vụ ô tô. Tuy nhiên, tên tuổi và thông tin về tập đoàn này cũng không được biết đến nhiều. Khi thị trường bất động sản đóng băng, các dự án Thiên Thanh từng công bố xây dựng cũng im hơi lặng tiếng.

Nổi lên nhờ gói 50.000 tỷ đồng

Sau khi Trust Bank đổi tên thành VNCB, VNCB và Thiên Thanh vẫn hoạt động khá lặng lẽ. Nhưng đầu năm 2014, tên tuổi VNCB và Thiên Thanh bỗng nổi lên khi công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho xây dựng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất và mua, sửa chữa nhà ở theo hình thức trả chậm. Gói tín dụng này thông qua chuỗi liên kết 4 nhà gồm NH, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư và VNCB cũng công bố tên hàng loạt NH sẽ tham gia thực hiện.

Có mặt tại lễ công bố, đại diện Vụ tín dụng NHNN khẳng định NHNN chỉ đạo triển khai sản phẩm liên kết 4 nhà giao cho BIDV và 7 NH khác, trong đó có VNCB triển khai và cho rằng đây là chính sách tín dụng kết nối 4 nhà và là sản phẩm tín dụng đặc thù được triển khai thí điểm và sẽ được nhân rộng, nhằm tạo niềm tin chắc chắn cho thị trường. Nhưng sau đó, nhiều NHTM được nhắc đến lại cho biết hoàn toàn không biết thông tin về gói tín dụng này, phía NHNN nói đây không phải là gói tín dụng và NHNN không chủ trì.

Trao đổi với báo ĐTTC sau khi VNCB công bố gói 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà, một chuyên gia kinh tế cho rằng gói tín dụng này rất mơ hồ và khó có thể thực hiện được, bởi khi gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất được triển khai rất cụ thể, được hỗ trợ tích cực từ nhiều phía vẫn vướng đủ đường. Tuy vậy, ngày 11-6 vừa qua, NHNN đã phát đi thông báo về việc hợp tác triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà, theo đó NHNN cho biết đã giao BIDV cùng 7 NH gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, VNCB, SHB, LienVietPostBank và MHB triển khai sản phẩm này, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản.

Được giao cho nhiều NH thực hiện nhưng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh vẫn được dư luận nhìn nhận như một đơn vị đầu mối. Song từ khi NHNN phát đi thông báo đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa hề đón nhận bất kỳ một thông tin nào về việc các NH triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà.

Khi thị trường còn đang ngóng chờ xem “hình dáng” sản phẩm này như thế nào thì bất ngờ NHNN phát đi thông báo về việc cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 lãnh đạo của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Đây đều là những người tham gia lãnh đạo VNCB thời gian qua.

NHNN lại vào cuộc

Theo NHNN, từ năm 2012 cho đến nay, VNCB hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do NHNN thành lập, sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của VNCB. Tuy nhiên, thông tin ban đầu về việc bắt tạm giam các vị lãnh đạo này vì có hành vi gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng VNCB khi số tiền thuê 40 năm là 1.056 tỷ đồng nhưng số tiền VNCB ứng trước đến 1.021 tỷ đồng. Như vậy việc NHNN thông báo đã giám sát chặt chẽ nhưng với thực tế này đã khiến cho thị trường lung lay lòng tin với NH này.

Khu đất vàng 4 mặt tiền tại trung tâm quận 10, TPHCM của Thiên Thanh, trong đó có trụ sở VNCB. Ảnh: Tr.Giang

Khu đất vàng 4 mặt tiền tại trung tâm quận 10, TPHCM của Thiên Thanh,
trong đó có trụ sở VNCB. Ảnh: Tr.Giang

Sự cố của VNCB xảy ra mới chỉ vài ngày thì ngay ngày 1-8, Vietcombank đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với VNCB. Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, Vietcombank sẽ hỗ trợ VNCB cấu trúc lại hệ thống, hoạt động NH; xử lý nợ xấu và hỗ trợ trong khâu thanh toán. Thiên Thanh đã tham gia tái cơ cấu VNCB nhưng đã không thành công, NH này chưa ổn định.

Sự kiện Vietcombank ký kết hợp tác là bước tiếp theo để NHNN thực hiện tái cơ cấu VNCB. Dù vậy, khả năng VNCB có sáp nhập vào Vietcombank hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, điều này sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tục tái cơ cấu một NH đã tái cơ cấu.

Các tin khác