Hạ lãi suất
Ngày 3-3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ hạ lãi suất cơ bản từ 1,5-1,75% xuống 1-1,25%. Đây là lần hạ lãi suất đầu tiên không diễn ra tại các cuộc họp định kỳ của các nhà hoạch định chính sách Fed kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Fed còn dự định hạ lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp ngày 17 và 18-3 tới. Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới 0,5%.
Trước đó, Trung Quốc, hôm 20-2 đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm thêm 0,1%, xuống 4,05%. Lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm cũng giảm 0,05% xuống 4,75%. Trung Quốc cũng hạ lãi suất với các khoản vay trung hạn trị giá 200 tỷ NDT (28,65 tỷ USD) cho các tổ chức tài chính. Mức lãi mới sẽ là 3,15%, giảm từ 3,25%.
Những NHTW lớn như ECB (châu Âu) và BOE (Anh) cũng đang sẵn sàng hành động. Hôm 2-3, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos, nói: "Trong mọi trường hợp, Hội đồng thống đốc sẽ điều chỉnh tất cả công cụ của mình nếu phù hợp, để đảm bảo lạm phát theo mục tiêu bền vững".
Lãi suất tiền gửi chính của ECB hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử -0,5%. ECB đang thực hiện chương trình nới lỏng định lượng - mua lại tài sản với quy mô hàng tháng 20 tỷ EUR (22,25 tỷ USD).
Cùng ngày, BOE cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý của Anh cùng với các đối tác quốc tế, thực hiện những bước đi cần thiết nhằm duy trì ổn định tài chính. Lãi suất cơ bản của Anh hiện ở mức 0,75%. Thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda, cũng cho biết sẽ có những biện pháp cần thiết để bình ổn thị trường tài chính.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan có lẽ là nước nhanh nhẹn nhất khi ngày 5-2 đã cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục. Theo đó, lãi suất mua lại trong 1 ngày giảm 0,25% xuống 1%. Việc cắt giảm đã đưa lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử.
Các NHTM cũng có phản ứng. NH Kasikornbank Predee Daochai giảm lãi suất bán lẻ tối thiểu cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa 0,25%, xuống còn 6,62% từ 6,87%, có hiệu lực từ 6-2. NH cũng sẽ cắt giảm lãi suất tiết kiệm và tiền gửi của công ty từ 0,1% xuống 0,12% và đối với tiền gửi cố định 0,05-0,25%.
Bơm tiền và các biện pháp khác
Bơm tiền và các biện pháp khác
Cách tốt nhất để hạn chế tác động kinh tế của dịch Covid-19 không phải là giảm lãi suất, mà là hạn chế số người dân mắc bệnh, phục hồi sức khỏe cho họ. Nền kinh tế cần loại vaccine thực tế - có thể ngừa được bệnh - hơn là những vaccine chính sách. |
Ngày 3 và 4-2, NH Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 1.700 tỷ NDT (hơn 242 tỷ USD) thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Ngày 5-2 Cơ quan Quản lý thị trường trái phiếu nước này tuyên bố tích cực hỗ trợ, tài trợ bằng nợ và chào bán nợ những công ty bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Hiệp hội Quốc gia Các nhà đầu tư thể chế trên thị trường tài chính (NAFMII) sẽ hỗ trợ những công ty tham gia kiểm soát virus lây lan. Hiệp hội cho phép công ty bị ảnh hưởng phát hành trái phiếu và gây quỹ thông qua các công cụ như giấy tờ đảm bảo bằng tài sản.
Ngày 6-2, PBOC thông báo sẽ sử dụng các công cụ như hạ mục tiêu dự trữ bắt buộc, tái cho vay, tái chiết khấu, để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng. Do chi phí tái cho vay đặc biệt khoảng 300 tỷ NDT cho các NHTM tương đối thấp, nên PBOC yêu cầu các NH giới hạn lãi suất cho vay đối với những công ty nhất định ở 3,15%, thấp hơn 1% so với hiện tại. Tiếp đó, ngày 9-2, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo chính quyền các cấp đã phân bổ tổng cộng 71,85 tỷ NDT (10,26 tỷ USD) tính đến chiều 8-2.
Tại các nước có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền cũng liên tục tung ra các biện pháp hỗ trợ. Từ ngày 14-2, Chính phủ Nhật Bản quyết định chi 10,3 tỷ yen (tương đương 93,8 triệu USD) từ dự trữ ngân sách.
Ngày 1-3 BOJ cam kết cung cấp thanh khoản và đảm bảo sự ổn định của thị trường, đồng thời sẽ mua trái phiếu chính phủ trị giá 500 tỷ yên (4,62 tỷ USD) để giúp ngăn chặn sự trượt dốc trên TTCK. Trong khi đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc hôm 4-3 công bố đã chuẩn bị gói ngân sách bổ sung lên đến 11.700 tỷ won (9,8 tỷ USD).
Tại Italia, ngày 1-3 Bộ trưởng Kinh tế Roberto Gualtieri tuyên bố 3,6 tỷ EUR (khoảng 4 tỷ USD) sẽ được bơm vào nền kinh tế để giúp các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như du lịch và vận tải.
Các biện pháp sẽ bao gồm cắt giảm thuế, cấp tín dụng thuế cho các công ty giảm 25% doanh thu và chi nhiều tiền hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chính phủ Italia đang hoàn thiện các biện pháp có thể được ký kết bởi Hội đồng Bộ trưởng. Bên cạnh đó, Italia phân bổ 7,5 tỷ EUR cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.
Tại Đông Nam Á, ngày 27-2 Malaysia đã công bố gói kích thích tăng trưởng 2020 trị giá 20 tỷ ringgit (khoảng 4,8 tỷ USD). Theo đó, Chính phủ Malaysia sẽ đưa ra nhiều khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, giảm 15% hóa đơn thanh toán tiền điện cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng như miễn 6% thuế dịch vụ với nhóm ngành khách sạn.
Ngoài ra, Malaysia sẽ hỗ trợ người làm việc trong ngành du lịch, bao gồm miễn thuế thu thuế thu nhập tối đa 1.000 ringgit (237USD), hỗ trợ 1 lần 600 ringgit (142USD) cho tài xế taxi, xe buýt du lịch và hướng dẫn viên du lịch. Indonesia cũng tuyên bố dành ít nhất 744 triệu USD hỗ trợ người lao động, hãng hàng không, khách sạn, du khách và địa phương tại các địa điểm du lịch trọng yếu bị ảnh hưởng nặng do Covid-19.
Các NH Thái Lan tuyên bố gia hạn thời gian trả nợ cho các công ty bị thiệt hại nặng vì dịch bệnh. Trong khi đó, các tổ chức tài chính nhà nước đã đồng ý với đề xuất của chính phủ giảm nợ cho các nhà khai thác kinh doanh đang gặp khó khăn.
Ngoài ra, các NH sẽ cung cấp 123 tỷ baht (4 tỷ USD) cho vay lãi suất thấp, miễn phí cho các doanh nghiệp liên quan đến du lịch. SME Development Bank gia hạn nợ 6 tháng cho những người vay có hồ sơ tốt, NH Tiết kiệm Chính phủ gia hạn nợ lên đến 5 năm và Thai Credit Guarantee Corp. tạm dừng phí bảo lãnh tín dụng trong 12 tháng. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh giảm thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt…
Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông đã gây chú ý khi dành tới 120 tỷ HKD (khoảng 15 tỷ USD) để phát cho người dân trong bối cảnh Covid-19 làm ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Theo đó, mỗi thường trú nhân từ 18 tuổi trở lên được nhận 10.000HKD (gần 1.300USD).
Có hiệu quả?
Sử dụng chính sách tiền tệ để chống lại các tác động kinh tế của sự bùng phát dịch Covid-19 giống như “dùng búa để tháo chốt”. Câu hỏi quan trọng là Covid-19 gây ra bao nhiêu thiệt hại cho nhu cầu? Và liệu nó có thể bù đắp bằng chính sách nới lỏng tiền tệ? Justin Lahart |
Nhà phân tích Justin Lahart cho rằng, việc sử dụng chính sách tiền tệ để chống lại các tác động kinh tế của sự bùng phát dịch Covid-19 giống như “dùng búa để tháo chốt”. Lãi suất thấp kích thích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và tiêu dùng rẻ hơn, do đó thúc đẩy tổng cầu. Nhưng câu hỏi quan trọng là Covid-19 gây ra bao nhiêu thiệt hại cho nhu cầu? Và liệu nó có thể bù đắp bằng chính sách nới lỏng tiền tệ?
Trước mắt, câu trả lời là “rất ít”, theo Lahart. Trên thực tế, với cú sốc cung như vậy, người ta thường lo lắng lãi suất thấp sẽ dẫn tới lạm phát - lãi suất thấp sẽ khiến mọi người háo hức mua hàng hơn, nhưng sẽ không dễ bán hơn, và vì vậy giá sẽ tăng.
Mối lo ngại đối với Fed cũng vậy, có thể chính sách tiền tệ không thể làm được nhiều cho một nền kinh tế bị dịch bệnh bao vây. Mục đích của Fed khi giảm lãi suất là để thúc đẩy các doanh nghiệp và hộ gia đình vay mượn và chi tiêu nhiều hơn, trong khi tiết kiệm ít hơn. Nhưng giảm lãi suất không phải là thuốc giải độc hiệu quả. Lãi suất thấp giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách làm tăng nhu cầu, nhưng các gián đoạn gây ra bởi sự lây lan của Covid-19 đang làm giảm nguồn cung hàng hóa.
Cắt giảm lãi suất không giúp khắc phục được cú “sốc cung” này. Biện pháp đó sẽ không thể khiến các công nhân Trung Quốc quay lại các nhà máy sớm hơn, hoặc khiến các tàu chở hàng trên Thái Bình Dương chạy nhanh hơn. Tương tự, việc giảm lãi suất cũng sẽ không giúp nền kinh tế Mỹ chống lại những gián đoạn gây ra bởi các lao động không muốn ra ngoài do sợ dịch.