Vải thiều chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch

(ĐTTCO) - Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất theo quy hoạch, công khai phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng ổn định lâu dài.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm vùng miền đã có mặt tại các kênh phân phối. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm vùng miền đã có mặt tại các kênh phân phối. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Nông sản tại nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, vì vậy để tạo đầu ra ổn định, giúp nâng cao thu nhập của người dân, nhiều chương trình kết nối, đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, kênh phân phối đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh.

Các doanh nghiệp bán lẻ cùng vào cuộc

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023.

Theo thỏa thuận, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam để tổ chức kết nối, tiêu thụ sau khi lựa chọn được các đơn vị sản xuất, kinh doanh đáp ứng được các điều kiện và nhu cầu của Tập đoàn.

Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo quy định để cung cấp cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam…

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha (tăng 1.400 ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn.

Trong đó vải chín sớm là 7.700 ha, sản lượng ước 57.000 tấn; vải chính vụ diện tích là 22.000 ha, sản lượng ước trên 120.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha, sản lượng khoảng 113.800 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều của tỉnh Bắc Giang từ ngày 25/5 đến 30/7/2023 (vải sớm từ 25/5-15/6, vải chính vụ từ 10/6-30/7).

Để tạo thị trường ổn định, về phía Central Retail Việt Nam cho hay, Tập đoàn sẽ phối hợp và xem xét đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị (GO!, Big C, Tops Market…) tại từng thời điểm.

“Dự kiến, năm 2023, Central Retail Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều Lục Ngạn,” bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam thông tin thêm.

Không chỉ trái vải thiều, nhiều trái cây, nông sản khác cũng được các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp "đặt hàng" các nhà sản xuất bằng những hợp đồng dài hạn, từ đó vừa tạo nguồn hàng ổn định, đồng thời giúp người cung ứng yên tâm đầu tư cho sản phẩm.

Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Anh Phương chia sẻ, hiện 90% hàng hóa của MM Mega Market là hàng sản xuất trong nước, phía doanh nghiệp đang vận hành 5 trạm trung chuyển để bảo đảm giữ được chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm từ các vùng trồng, vùng nuôi đến các địa phương trên cả nước.

Thông qua các trạm trung chuyển, sản phẩm từ vùng trồng đến được các trung tâm theo chuỗi khép kín, đúng quy chuẩn, đưa đến các điểm bán phục vụ cho khách hàng.

Hình thành chuỗi, nâng cao giá trị

Bên cạnh việc đầu tư cho khâu bán hàng và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, trang thiết bị, hỗ trợ người nông dân để nâng cao chất lượng các sản phẩm sau thu hoạch.

Nhằm đưa được hàng hóa nông sản bảo đảm chất lượng vào chuỗi siêu thị hiện đại nói chung, hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail nói riêng, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, tập đoàn sẽ triển khai nhiều hoạt động, như: cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail Việt Nam.

Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay thì tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hoàn thiện các điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất.

Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, nông sản vùng miền đã được tiêu thụ mạnh. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Còn theo đại diện Phòng thu mua ngành thực phẩm tươi sống, Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON Việt Nam, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, hàng hóa cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các đơn vị bán lẻ hiện đại.

Trước tiên, sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, chất lượng ổn định, an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra các khâu vận chuyển (logistics), ổn định giá bán phải được tối ưu và bảo đảm. Các nhà cung cấp cũng cần chú ý việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa và tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động lập quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn được các bộ, ngành xây dựng và ban hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.

Liên quan tới lĩnh vực này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động kết nối cực kỳ quan trọng đối với các sản phẩm đặc trưng vùng miền, nhất là các sản phẩm OCOP. Trong đó, thông qua hội chợ, triển lãm, sẽ mang đến hình ảnh các sản phẩm OCOP của mỗi vùng miền, mỗi địa phương đến tay người tiêu dùng, thị trường, đồng thời nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, chất lượng OCOP và cả các thương hiệu sản phẩm OCOP.

Trong bối cảnh tình trạng nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, các chuyên gia nhận định, rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả.

Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

Các tin khác