Bởi lẽ việc phát triển 3 ĐKKT (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) những năm tới cần hàng chục tỷ USD để phát triển hạ tầng. Nếu cơ chế không đủ mở sẽ rất khó hút nguồn lực, tạo sự đột phá.
Xác định 3 mũi nhọn
Đề án thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (hay còn gọi là ĐKKT) tỉnh Quảng Ninh đang trình Quốc hội xác định 3 mũi nhọn phát triển: du lịch văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao.
Trong đó, lĩnh vực du lịch văn hóa cao cấp gồm du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp có casino, trung tâm giải trí có thưởng quốc tế, du lịch sinh thái, văn hóa, khu nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa. Lĩnh vực dịch vụ sẽ tập trung vào kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, logistics, dịch vụ cảng biển và trung tâm du thuyền, dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại.
Lĩnh vực công nghệ cao hướng tới ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, chế biến dược phẩm, chế phẩm sinh học, dược liệu, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vật liệu quý hiếm.
Theo tính toán của tỉnh Quảng Ninh, nếu không thành lập ĐKKT Vân Đồn, tốc độ GDP tăng trưởng bình quân hàng năm chỉ đạt khoảng 15%, ước tính đến 2030 tổng thu trên địa bàn Vân Đồn khoảng 840 tỷ đồng và cả giai đoạn 2018-2030 đạt 5.536 tỷ đồng. Trường hợp thành lập ĐKKT Vân Đồn, năm 2030 số thu ngân sách trên địa bàn sẽ đạt 7.892 tỷ đồng, tổng thu ngân sách cả giai đoạn 2018-2030 ước đạt 53.862 tỷ đồng, gấp 10 lần so với số thu không thành lập ĐKKT. Cơ cấu nguồn thu từ ĐKKT Vân Đồn sẽ tập trung vào 2 nguồn: thu từ thuế, phí, lệ phí 41.197 tỷ đồng và thu từ tiền sử dụng đất 12.665 tỷ đồng. |
Việc xây dựng ĐKKT Vân Đồn trong giai đoạn 2018 - 2030 theo tính toán cần khoảng 270.000 tỷ đồng (trên 13 tỷ USD), trong đó vốn huy động trong nước 134.900 tỷ đồng (50% nhu cầu vốn), phần còn lại là vốn huy động nước ngoài 135.100 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2018-2022, ĐKKT Vân Đồn cần khoảng 164.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng.
Nếu các cơ chế mở về ĐKKT Vân Đồn được thông qua, đến năm 2030 tổng GDP của ĐKKT này sẽ đạt 128.611 tỷ đồng, chiếm 1,12% GDP cả nước, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm đạt 27,92%, quy mô GDP tăng 62 lần so với năm 2016. GDP bình quân đầu người ước đạt 21.300 USD/năm, tăng gần 10 lần so với hiện nay. Tổng đầu tư toàn xã hội sẽ đạt 12 tỷ USD, trong đó đầu tư FDI đạt 6 tỷ USD, tổng thu ngân sách đạt 53.862 tỷ đồng.
Cơ chế riêng tạo nguồn lực phát triển
Cơ chế riêng tạo nguồn lực phát triển
Đến nay, dù cơ chế đột phá cho ĐKKT Vân Đồn chưa được Quốc hội thông qua, nhưng huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh đã thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào thực hiện nhiều dự án hạ tầng lớn như: sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, và hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng hạng sang… Đáng chú ý, Tập đoàn Sun Group đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những nhà đầu tư chiến lược vào ĐKKT Vân Đồn. Hiện tập đoàn này đã cam kết đầu tư 30.000 tỷ đồng để phát triển các dự án sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng biển, và khu vui chơi giải trí phức hợp có casino…
Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC đang đề xuất đầu tư khu phức hợp giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng quy mô 46.000 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư có tiềm lực mạnh khác như Tập đoàn CEO, Mbland, Crytal plate, HD Moon… cũng đang nghiên cứu đầu tư một số dự án khác tại Vân Đồn. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh khẳng định, để ĐKKT Vân Đồn trở thành đô thị hiện đại, thông minh, với dịch vụ du lịch cao cấp, công nghiệp công nghệ cao, Vân Đồn vẫn cần thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư chiến lược khác.
ĐKKT Vân Đồn được xác định 3 mũi nhọn: Du lịch văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại, và công nghệ cao.
Một vấn đề quan trọng khác là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là khung pháp lý cho tương lai, điều chỉnh các ĐKKT ở cấu trúc, trình độ phát triển cao chứ không phải cho giai đoạn chuyển đổi hiện nay. Ở một trình độ phát triển cao như vậy bất cứ ai vào đó cũng phải chấp nhận luật chơi ở đẳng cấp khác.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiện Văn phòng Quốc hội, cho rằng phát triển ĐKKT hiện nay không chỉ có vấn đề về kinh tế mà còn là hành chính.
Không có đột phá về thể chế sẽ không tạo ra sự đặc biệt cho ĐKKT trong tương lai. Hệ thống pháp luật cho ĐKKT phải có những giải pháp đột phá, đầu tiên thể chế đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải nhất thể hóa các chức danh trong Đảng và chính quyền. Trưởng đặc khu phải là người đứng đầu về mặt Đảng và về mặt hành chính. Các cán bộ trong đặc khu cũng phải kiêm nhiệm như vậy và cũng là mô hình các nước đã áp dụng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần xác định những lợi ích chiến lược, gắn với những nhà đầu tư chiến lược trong phát triển ĐKKT. Sự thành công của các ĐKKT cần gắn liền với lợi ích chiến lược của một nhóm nhà đầu tư tâm huyết - các doanh nhân công trong quá trình phát triển. Mục tiêu quan trọng nhất của mô hình ĐKKT là tạo ra các đột phá, nhất là đột phá trong cải cách thể chế. Có được điều này những yếu tố khác sẽ kéo theo. Cùng với đó là hình thành một thể chế, một môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo, tìm tòi cái mới để tạo ra các doanh nhân công. Các doanh nhân công, những người chấp nhận rủi ro và sẵn sàng đi đến cùng cùng với dự án, ý tưởng phát triển.
Một nghiên cứu của World Bank đã chỉ ra rằng trong hầu hết trường hợp việc phát triển thành công các ĐKKT đối tượng chính là tư nhân thực hiện. Muốn tư nhân tham gia phát triển các ĐKKT, cần có khuôn khổ pháp lý quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư xây dựng ĐKKT.
Để xây dựng ĐKKT Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa định hướng phát triển 4 nhóm ngành nghề chính ưu tiên: dịch vụ vận tải biển; dịch vụ thương mại - tài chính; dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục; phát triển công nghệ cao, điện tử, và cơ khí chính xác. Khánh Hòa dự kiến từ nay tới năm 2025 sẽ đầu tư một loạt dự án hạ tầng lớn, như đường cao tốc từ sân bay Cam Ranh đến sân bay Tuy Hòa, đường ven biển, các tuyến kết nối với Quốc lộ 1A, các dự án đường trục, xây dựng mới tuyến đường sắt nối với cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong… Tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng này lên tới 225.000 tỷ đồng (trên 10 tỷ USD). Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng xã hội tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong ước tính khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang đã xác định ĐKKT Phú Quốc được phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn: 2018-2021 phát triển 3 ngành nghề trọng điểm (du lịch, trung tâm thương mại và triển lãm, nghiên cứu và phát triển; 2022-2015 phát triển các ngành nghề mang tính động lực (ngư nghiệp và chế biến, truyền thông và dịch vụ hậu cần, giáo dục đại học, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, khu bảo tồn thiên nhiên, công nghệ kỹ thuật số); 2026-2030 phát triển các ngành nghề công nghệ cao như công nghệ sinh học, trung tâm ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ viễn thông tiên tiến, và quỹ đầu tư. Ước tính tổng vốn đầu tư các hạng mục này từ nay đến năm 2030 khoảng 890.000 tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD. |