Dù vậy, đầu tư vàng vẫn được khuyên cần thận trọng, vì tính bền vững của xu hướng tăng giảm giá vàng rất yếu.
Lập đỉnh rồi lao dốc
Lập đỉnh rồi lao dốc
Diễn biến giá vàng năm 2011 đến nay vẫn là câu chuyện khó quên đối với giới đầu tư vàng. Trong vòng hơn 30 năm, giá vàng thế giới mới có lại đợt biến động mạnh từ hơn 1.300USD/ounce lên 1.900USD/ounce, và giá vàng trong nước tăng từ 35 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm là vào ngày 8 và 9-8-2011, giá vàng làm rung chuyển thị trường tài chính, khi vàng thế giới tăng hàng trăm USD mỗi phiên, còn vàng trong nước tăng 5 triệu đồng chỉ trong 2 ngày.
Vàng là hàng hóa có yếu tố đầu cơ khá cao, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với các quyết định đầu tư vào vàng trong thời điểm này. |
Sau khi lập đỉnh 1.900USD/ounce, giá vàng thế giới bắt đầu chuỗi ngày đi xuống, và trong suốt 8 năm qua chưa từng xác lập lại mức giá này. Bên cạnh diễn biến từ thế giới, thị trường vàng trong nước kém sôi động, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quản lý chặt hơn thông qua nhiều chính sách ban hành từ năm 2012-2014, như độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, siết lại hệ thống kinh doanh vàng miếng, chấm dứt huy động vàng và cho vay vàng, can thiệp thị trường qua đấu thầu vàng.
Trong đó đáng chú ý nhất, năm 2013 sự can thiệp mạnh của NHNN cộng với việc giá vàng thế giới bốc hơi 470USD (rơi từ mức 1.675USD/ounce xuống 1.205USD/ounce), giá vàng trong nước trượt dài và mạnh. Nếu đầu năm giao dịch mua bán ở mức 46,4 - 46,8 triệu đồng/lượng, đến cuối năm chỉ còn 34,4 - 34,7 triệu đồng/lượng.
Giằng co thời gian dài
Giằng co thời gian dài
Năm 2014, giá vàng thế giới biến động phức tạp hơn. Vàng liên tục tăng giá mạnh trong quý I (từ khoảng 1.200USD/ounce lên gần 1.400USD/ounce), dao động ở mức cao trong quý II và giảm mạnh trong quý III và IV (chỉ còn 1.190USD/ounce) do những căng thẳng địa chính trị diễn ra trên toàn thế giới. Còn với thị trường trong nước, vàng sau những ngày tăng giảm theo giá thế giới, chốt phiên cuối năm 2014 ở mức giá 34,96-35,18 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đầu tư vào vàng với lượng đầu tư phù hợp, nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn lướt sóng cần thận trọng bám sát thị trường và lựa chọn thời điểm thích hợp. |
Năm 2016, những cơn sốt vàng tại Việt Nam dần trở thành quá khứ, không khí giao dịch trên thị trường khá èo uột và trầm lắng, thậm chí có 2 thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn thế giới. Trong vòng khoảng 10 năm, điều này chỉ xuất hiện 2 lần, vào năm 2008 và năm 2010. Song sự hồi phục nhẹ của giá vàng thế giới cũng giúp vàng SJC tăng 3,6 triệu đồng/lượng. Năm 2017 đem lại nhiều kỳ vọng hơn khi giá vàng tăng trở lại và đà tăng kéo dài đến quý I-2018 (dao động khoảng 1.302-1.357USD/ounce).
Ảnh minh họa.
Dù vậy, xu hướng trên đã kết thúc kể từ tháng 4-2018, khi chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc xảy ra, giới đầu tư bắt đầu xem đồng USD như nơi trú ẩn an toàn thay vì vàng. Theo đó, từ mức hơn 1.365USD/ounce, giá vàng đã giảm 15% về mức 1.160USD/ounce vào tháng 8-2018. Đây là mức thấp nhất trong vòng 1 năm rưỡi và dù hồi phục lại trong tháng cuối năm, nhưng không thể trở lại mốc 1.300USD/ounce.
Giá vàng trong nước lúc này cũng đuổi bắt theo nhịp thế giới, có xu hướng đi lên trong nửa đầu năm, giảm vào nửa cuối năm và kết thúc năm ở mức 36,53-36,64 triệu đồng/lượng. Tính chung cả năm 2018, vàng miếng giảm 210.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Diễn biến khó lường
Diễn biến khó lường
Năm 2019, bức tranh về thị trường vàng lại hoàn toàn khác so với các năm trước, mang màu sắc sôi động và đầy kịch tích. Ngay từ tuần đầu tiên của năm, thị trường vàng trong nước đã được hâm nóng nhờ chất xúc tác là diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới. Chỉ trong 1 tuần, giá vàng trong nước từ 36,44-36,54 triệu đồng đã tăng dần lên mức 36,7-36,8 triệu đồng/lượng. Mức tăng khoảng 160.000 đồng này trong các phiên liên tiếp đã đánh thức tâm lý tham gia thị trường của nhà đầu tư. Tuy vậy, trong 5 tháng đầu năm, xu hướng tăng, giảm đan xen trong biên độ hẹp không đủ sức kéo giá vàng vượt khỏi mốc 36,7 triệu đồng/lượng.
Bắt đầu từ tháng 6, thị trường vàng mới có những biến động lớn, nhất là khi giá vàng thế giới từ 1.298USD/ounce đã liên tục đi lên, chọc thủng mốc 1.400USD/ounce và đạt 1.423 USD/ounce vào ngày 25-6. Điều này khiến giá vàng SJC nhanh chóng áp sát mốc 40 triệu đồng/lượng, khi được điều chỉnh lên 39,25-39,52 triệu đồng/lượng. Đến ngày 18-7, giá vàng giao ngay tại thị trường New York đạt mức 1.445,5USD/ounce, vàng miếng SJC tiến lên mức 39,75-40,07 triệu đồng/lượng. Không dừng lại ở đó, trong vòng 8 năm kể từ năm 2011, giá vàng lần đầu tiên vượt mức 1.500USD/ounce vào ngày 8-8, đạt đỉnh 1.548,9USD/ounce vào ngày 29-8, kéo giá vàng trong nước lần lượt đi qua các mốc 41 triệu, 42 triệu đồng lên 43,07 triệu đồng/lượng.
Mốc 1.500USD này không giữ được lâu. Từ tháng 9, giá vàng thế giới chững lại, giảm về còn 1.466USD/ounce vào cuối tháng. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng liên tục biến động từ 43 triệu đồng giảm dần về 41,3-41,72 triệu đồng/lượng. Cuối tháng 10 vừa qua, giá vàng thế giới trở lại ngưỡng 1.495USD/ounce sau khi thị trường ghi nhận thông tin Fed quyết định hạ lãi suất lần thứ 3 trong năm 2019. Nhưng với ảnh hưởng từ diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá vàng thế giới giao ngay cũng ghi nhận nhiều phiên giảm trong tháng 11 này.
Ngày 13-11, vàng đứng ở mức 1.456,6USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với phiên giao dịch đầu tuần, do ảnh hưởng bởi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung càng tiến triển chậm hơn. Tại thị trường trong nước, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 110.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó, về mức 41,1-41,36 triệu đồng/lượng. Thời điểm này, giá vàng thế giới đứng ở mức thấp nhất trong 3 tháng do áp lực bán vẫn còn mạnh và giới đầu tư chờ đợi những tín hiệu từ Tổng thống Trump cũng như từ Fed, vì vậy diễn biến của giá vàng trong thời gian tới vẫn còn là ẩn số.
Cân nhắc đầu tư
Cân nhắc đầu tư
Về góc độ đầu tư, những diễn biến trong gần 1 năm qua đã làm dậy sóng câu hỏi liệu có nên đầu tư vàng sau nhiều năm không được quan tâm? Thực tế, ngay từ đầu năm các chuyên gia tài chính đều khuyên nhà đầu tư nên thận trọng với kênh vàng, do chưa nhìn thấy những tín hiệu bứt phá mạnh. Cụ thể, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đầu tư vào vàng với lượng đầu tư phù hợp, nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn lướt sóng cần thận trọng bám sát thị trường và lựa chọn thời điểm thích hợp có lợi, vì giá vàng diễn biến khó lường, tăng giảm thất thường theo những diễn biến bất ngờ của thị trường thế giới.
Đến thời điểm giá vàng chạm đỉnh 1.500USD, sự thận trọng khi muốn nhảy vào vàng càng được nhấn mạnh. Tại báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 8-2019, CTCP Chứng khoán SSI nhận định, trong 8 tháng qua, mức sinh lời cao nhất tại các kênh đầu tư truyền thống ở cả thị trường trong nước và quốc tế thuộc về vàng. Giá vàng quốc tế tăng tới 18,5% khiến giá vàng trong nước tăng 16%, vượt mức sinh lời của kênh cổ phiếu và bỏ xa các kênh đầu tư trái phiếu, tiền gửi. Tuy nhiên, SSI cho rằng vàng cũng là hàng hóa có yếu tố đầu cơ khá cao, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng với các quyết định đầu tư vào vàng.
Thực tế những ngày giữa tháng 11, các hợp đồng vàng tương lai đã giảm nhiều phiên liên tiếp về mức thấp nhất kể từ tháng 8-2019, khi sức mạnh đồng USD và đỉnh cao mới của chứng khoán Mỹ đã góp phần làm suy giảm nhu cầu trú ẩn đối với vàng. Theo đó, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm về gần sát mức 41 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu mua vàng thời điểm giá tăng mạnh vào tháng 8, lúc này nhà đầu tư có thể gánh lỗ.
Song quan sát trên thị trường cho thấy, những thời điểm sốt giá năm nay cũng không còn tình trạng người dân rồng rắn xếp hàng mua vàng. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng với vàng đã bao trùm lên giới đầu tư tại Việt Nam, kênh đầu tư vàng dù được quan tâm nhưng rõ ràng đã kém hấp dẫn hơn so với 8 năm về trước.