Tính chung quý 1/2022, cơ quan này đã bán tổng cộng 455.000 ounce vàng, tương đương 514.621 lượng vàng.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, các quỹ ETF có đảm bảo bằng vàng trên toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn ròng 11,8 tỷ USD trong tháng 3 - mức cao nhất của dòng vốn hàng tháng kể từ năm 2016.
Theo Bloomberg, cả nhà sản xuất và ngân hàng tại Nga đều đang thăm dò, mở rộng thị trường tiêu thụ vàng ở châu Á và Trung Đông. Nga là nhà khai thác vàng lớn thứ hai thế giới khoảng 340 tấn vàng mỗi năm.
Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.932,78 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,5%, lên 1.934 USD/ounce.
Các chuyên gia phân tích đánh giá, chính lạm phát và căng thẳng địa chính trị là hai nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu mua vàng. Các chuyên gia phân tích khẳng định rằng vai trò của vàng trong vị thế công cụ ngừa lạm phát dường như đang hỗ trợ quan trọng cho giá của loại tài sản này.
Ông Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao của chuyên trang về thị trường kim loại quý Kitco Metals, nhận định giá vàng sẽ hưởng lợi khá lớn một khi nỗi lo về lạm phát bắt đầu “nóng” trở lại, ngay cả khi kim loại quý này đối mặt với xu hướng “mạnh tay” thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities nhận định: "Chính sách của Fed còn một chặng đường dài để trở về bình thường và vàng sẽ tiếp tục vững chắc".
Ông Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa Ngân hàng Saxo, cho rằng lạm phát đã trở thành một mối đe dọa thực sự đối với người tiêu dùng, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy các nhà đầu tư mua nhiều vàng để bảo vệ sự giàu có và giữ giá trị sức mua đồng tiền.