Đi lên trong toàn bộ năm phiên giao dịch của tuần này, vàng thế giới ghi nhận tuần tăng giá tốt nhất trong sáu tháng qua, khi sức hấp dẫn của vàng được củng cố nhờ vai trò như một hàng rào chống lạm phát, giữa bối cảnh giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng cao.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/11), giá vàng thế giới đã leo lên mức cao nhất trong hai tháng trước đà giảm của đồng USD và mối lo ngại dai dẳng về lạm phát sau khi các ngân hàng trung ương lớn quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp trong thời gian tới.
Jim Wyckoff, nhà phân tích của chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals có trụ sở tại Canada nhận định giới đầu tư đang đổ nhiều tiền hơn vào thị trường vàng và bạc như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tiền tệ "ôn hòa" tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong các phiên giao dịch liền sau đó.
Ngày 10/11, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,9% trong tháng 10/2021, mức tăng lớn nhất trong vòng bốn tháng qua.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10/2021, mức cao nhất trong 30 năm.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, cho biết: “Thị trường đang hoảng sợ với số liệu CPI tháng 10 tăng cao. Giới đầu tư xem vàng như một loại tài sản an toàn có thể chống lại rủi ro lạm phát.”
Điều này khiến giá vàng tăng gần 2% trong phiên 10/11 và đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng Sáu vào phiên 11/11.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/11, mặc dù giá vàng giảm gần 1% vào đầu phiên, song mối quan ngại dai dẳng về lạm phát vẫn giúp mặt hàng kim loại quý này duy trì đà tăng vào cuối phiên.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.866,87 USD/ounce. Tính chung cả tuần, mặt hàng này tăng 2,8%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 0,3%, lên 1.868,5 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng tới 110 USD/ounce kể từ ngày 3/11/2021, thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát gia tăng và cam đoan từ các ngân hàng trung ương rằng lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, vàng cũng chịu áp lực từ xu hướng mạnh lên của đồng USD trong tuần này, khi dữ liệu cho thấy CPI của Mỹ trong tháng 10 tăng vọt. Đồng USD mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu vàng đối với người mua đang nắm giữ những đồng tiền khác.
Các chuyên gia phân tích của Societe Generale dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 1,950 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022.
Việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất có xu hướng thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là một loại tài sản không sinh lời.
Góp phần hạn chế đà tăng của vàng trong phiên này là đà tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Trong phiên cuối tuần, giá bạc giao ngay tăng 0,4%, lên 25,32 USD/ounce, giá palladium cũng tiến 2,8%, lên 2.116,45 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim lại hạ 0,2%, xuống 1.083,49 USD/ounce.