Vay tại điểm bán chấp nhận lãi cao

Hiện nay, nhiều NH, công ty tài chính đã đẩy mạnh liên kết với những khu vực bán hàng, khách hàng muốn mua sản phẩm tại điểm bán sẽ được nhân viên tư vấn trả góp. Tùy vào giá trị món hàng mà thời gian trả góp có thể kéo dài từ 9-12 tháng hoặc lâu hơn.

Không cần tài sản đảm bảo, người thu nhập thấp (cá nhân, hộ gia đình) vẫn được hỗ trợ vay tiền tại điểm bán hàng dễ dàng khi có nhu cầu mua điện thoại, tivi, tủ lạnh, xe máy, ô tô... thậm chí là một chiếc áo khoác. Đây là hoạt động cho vay tiêu dùng khá phổ biến của các NH, công ty tài chính và nó dần trở thành một kênh tín dụng kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế.

Hiện nay, nhiều NH, công ty tài chính đã đẩy mạnh liên kết với những khu vực bán hàng, khách hàng muốn mua sản phẩm tại điểm bán sẽ được nhân viên tư vấn trả góp. Tùy vào giá trị món hàng mà thời gian trả góp có thể kéo dài từ 9-12 tháng hoặc lâu hơn.

Theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit, đặc điểm các khoản vay này thường có giá trị nhỏ và đối tượng là người có thu nhập trung bình, thấp (2-3 triệu đồng/tháng). Việt Nam là nước có dân số trẻ, trong đó khoảng 20% người trẻ thích mua sắm cao. Cho vay tại điểm bán hàng với lợi thế mạng lưới rộng khắp, dễ tiếp cận, thủ tục vay đơn giản và nhanh chóng nên sản phẩm này ngày càng thu hút nhiều khách hàng.

Home Credit thâm nhập hoạt động cho vay tại điểm bán ở Việt Nam khoảng gần 10 năm nay và hiện là đơn vị dẫn đầu cho vay tại điểm bán xe máy với 65% thị phần.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, vay tiêu dùng là một loại hình tài chính phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia phát triển và có sự tăng trưởng mạnh tại thị trường mới nổi.

Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đến cuối tháng 9-2012, chỉ riêng thị trường thẻ NH tăng 1.600% về số lượng, tăng 470% về giá trị giao dịch thẻ; số lượng máy POS đạt gần 70.000 cái, tăng gấp 5 lần so với năm 2006. Dự báo trong vòng 5 năm tới, cùng với nền kinh tế Việt Nam phục hồi, thu nhập đầu người tăng và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, tín dụng tiêu dùng Việt Nam có thể đạt tới 10% GDP, tức tăng trưởng bình quân mỗi năm 20%.

Hiện nhiều NH, công ty tài chính nhảy vào lĩnh vực cho vay tại điểm bán do Việt Nam đang xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo, nhu cầu tiêu dùng thông qua hệ thống NH tăng; dân số trẻ cũng kích thích nhu cầu thanh toán qua thẻ mua hàng, trả góp. Bà Nguyễn Thu Hà, nguyên Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết năm 2012 cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản chiếm 83%, cho vay mua ô tô 13%, cho vay mua xe máy chiếm 2%, tiêu dùng 1%, thẻ tín dụng 1%.

Cho vay tiêu dùng chủ yếu thực hiện qua hệ thống NHTM, chỉ có 4% qua công ty tài chính. Quy định lãi suất cho vay tiêu dùng đối với khách hàng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN, lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng. Đối với công ty tài chính theo lãi suất thỏa thuận và được phép thu các loại phí liên quan. Lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường từ 13-25%/năm đối với NHTM, 24-65%/năm đối với công ty tài chính, thẻ tín dụng khoảng 20-28%/năm.

Dù được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển, tuy nhiên theo bà Hà, hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức do chưa có quy định về lãi suất rõ ràng; quy định về lãi suất thỏa thuận chưa linh hoạt (mức lãi suất thỏa thuận mới chỉ áp dụng với hoạt động cho vay qua thẻ tín dụng và chưa áp dụng với các sản phẩm khác).

Mặt khác, do thủ tục cho vay “thoáng”, không cần tài sản thế chấp nên một số khách hàng vay vốn lừa đảo, làm hồ sơ, giấy chứng minh thư giả, vay xong trốn nợ, làm nảy sinh nhiều rủi ro đối với các tổ chức cho vay. Do vậy, các tổ chức cho vay cần minh bạch mức lãi suất hợp lý, rõ ràng để người vay nắm trước khi đưa ra quyết định. Ngược lại, khách hàng cũng nên nhận thức rõ về lợi ích, mục đích của khoản vay tiêu dùng để sử dụng đúng chỗ và thực hiện nghĩa vụ của mình.

Các tin khác