Nguyên lý mũi tên rơi
Theo kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh (người có bằng độc quyền sáng chế về loại nỏ bắn cùng lúc hàng nghìn mũi tên đồng Cổ Loa) thì cuốn chính sử Đại Việt Sử ký toàn thư ghi về thành Cổ Loa là hoàn toàn phù hợp với các tính toán kỹ thuật cho loại nỏ bắn bằng ống. Nếu thành Cổ Loa đúng như Đại Việt Sử ký toàn thư ghi thì nỏ thần bắn được đúng như là các cuốn sử sách của cả ta và Trung Quốc ghi lại.
Cụ thể, sách Giao Châu ngoại vực ký, viết: “Mỗi phát giết được ba trăm”, còn sách Nam Việt chí, viết: “Bắn một phát giết hàng vạn người, bắn ba phát giết ba vạn người”. Trong khi đó, Việt kiệu thư, viết: “Mỗi phát tên đồng xuyên qua hơn chục người”.
Sách Lĩnh Nam chích quái, chép rằng: “Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”. Điều này chứng minh rõ ràng là "nỏ thần" phải rất to và đặt ở rất cao thì kẻ thù mới nhìn thấy và không dám đến gần.
Mũi tên rơi được dùng trong Thế chiến thứ I - cũng chung nguyên lý của "nỏ thần" An Dương Vương từ hàng nghìn năm trước đó |
Rồi hiệu ứng về ánh sáng mà bao cuốn sử sách đã ghi lại là "kim quang linh trảo thần nỏ" tức là khi nỏ bắn ra có một vầng sáng hào quang từ hàng loạt mũi tên đồng Cổ Loa quay quanh trục của mình dưới ánh nắng mặt trời chắc chắn phải được nhìn từ rất xa lần nữa chứng minh nỏ thần phải đặt ở trên cao.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh đã giải thích rất nhiều lần, rằng với bằng chứng kỹ thuật là mũi tên đồng Cổ Loa niên đại An Dương Vương thì cái chết của quân địch chính là nhờ sức hút của Trái đất tác động vào mũi tên đồng khiến mũi tên đồng rơi nhanh dần đều vào đầu giặc chứ không phải là nhờ sức mạnh của nỏ bắn (bởi nỏ chỉ có tác dụng đẩy mũi tên ra xa và lên cao).
Nguyên lý này cũng y hệt như nguyên lý mũi tên bay frechette trong Thế chiến I được thả từ trên máy bay xuống hay nguyên lý của đạn tổ ong, đạn rải đinh cũng đơn thuần rải từ trên cao xuống và những loại đạn này ngày nay có một sức mạnh khủng khiếp chỉ một phát bắn giết hàng trăm người.
Để chứng minh, kỹ sư Vũ Đình Thanh có thực nghiệm, với cây nỏ hiện có của ông nếu bắn từ thành Cổ Loa (hiện tại tức là cao nhất 7m) thì tuy nỏ của ông bắn tới 150m nhưng không thể gây sát thương cho người ở khoảng cách 150m được mà chỉ sát thương ở khoảng cách tầm độ 60m, điều này cũng không thể xuyên giáp được. Thế nhưng, cùng cái nỏ ấy, khi ông Thanh đặt ở độ cao 30m thì bắn xa đến hơn 200m và bắn xuyên giáp ở khoảng cách xa 200m.
"Nỏ thần" của vua An Dương Vương chắc chắn to hơn cái nỏ hiện tại của ông Thanh hàng chục lần, nên mỗi lần bắn hàng trăm, có khi hàng nghìn mũi tên đồng bay xa cả nghìn mét.
Tính xác thực của các các nghiên cứu về mũi tên đồng của kỹ sư Thanh được kiểm chứng và xác nhận bởi cả thực nghiệm lẫn các đồng nghiệp là các nhà khoa học quốc tế |
Nói cách khác, với cấu trúc của thành Cổ Loa hiện tại, mũi tên đồng sẽ không nguy hiểm, nhưng nếu thành Cổ Loa đúng như sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi thì mũi tên đồng lại rất nguy hiểm vì “mỗi phát tên đồng xuyên qua hơn chục người” như sử sách đã ghi.
Bí mật thành “tiên” xây
Bằng chứng khảo cổ mũi tên đồng Cổ Loa còn cho chúng ta biết một điều là chỉ "nỏ thần" bắn tên đồng Cổ Loa ở vị trí cao, còn các loại cung nỏ khác bắn tên tre gỗ thì ngược lại. Tức chỉ cần độ cao vừa phải vì nếu cao quá thì khi mũi tên gỗ tre lao xuống đất sẽ bị không khí cản lại và không gây nguy hiểm gì. Vì "nỏ thần" là công nghệ bí mật của vua An Dương Vương nên chúng ta không gặp loại thành cao chót vót hình ốc ở các nơi khác.
Tính xác thực của các các nghiên cứu của kỹ sư Thanh được kiểm chứng và xác nhận bởi các đồng nghiệp tại tập đoàn nghiên cứu sản xuất tên lửa NPO ALMAZ của Nga là TS vật lý Ivan Vikegzanin và TS công nghệ Kolyadov Dmitriy.
Ngoài ra, kỹ sư Vũ Đình Thanh cũng có trao đổi với GS. Đại tá Lê Đình Sỹ, người lưu giữ hình ảnh ống tên trong các lễ hội rước "nỏ thần" của người Cổ Loa xưa. Ông Lê Đình Sỹ đã rất ủng hộ những khám phá của ông Thanh, nhưng lại băn khoăn một điều là làm thế nào người Việt xưa có thể xây được một tòa thành cao và đồ sộ như sử sách đã ghi trong khi không có cần cẩu như ngày nay?!
Mô hình cấu trúc của thành Cổ Loa được xây dựng theo mô hình xoắn ốc, trong đó khe xoắn chính là đường độc đạo - cũng là nơi dùng để kéo và đặt nỏ phòng thủ |
Từ câu hỏi này, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã nghiên cứu về cấu trúc tòa thành hình ốc mà cái tên thành Cổ Loa tức thành hình ốc đã đưa ra đáp án. Đó là người Việt cách đây 2.300 năm đã xây được tòa thành to, cao chót vót mà không cần đến cần cẩu hay các thiết bị hiện đại như ngày nay chính là nhờ xây theo hình trôn ốc. Trong đó, mỗi một vòng ốc được xây cùng với con đường độc đạo từ dưới lên cao, mà nhờ con đường này người xưa đã vận chuyển vật liệu để xây tiếp lên cao nhiều vòng nữa.
Cứ thế xây lên cao chót vót tới 9 vòng ốc. Vòng ốc đây là vòng ốc lên cao, đúng như hình con ốc bị vát chóp có con đường độc đạo từ dưới lên trên đỉnh thành.
Như vậy, thành Cổ Loa xưa như là một con ốc vạt phần chóp đi dựng đứng lên có 9 vòng ốc lên cao, “con ốc vạt chóp” đó cực to, bên trong con ốc vát chóp đó theo sử sách ghi rộng tới ngàn trượng (tức 4,7km), thừa sức để quân đội vua An Dương Vương bảo vệ vững chắc từ bên trong.
Sau khi hoàn thiện thành Cổ Loa hình ốc, quân Âu Lạc đã vận chuyển "nỏ thần" An Dương Vương lên. "Nỏ thần" thời điểm đó chắc chắn phải to hơn chiếc nỏ của ông Thanh, được vận chuyển theo con đường độc đạo này lên trên cao và quay nhanh chóng mọi hướng để sẵn sàng bắn quân thù.
Như vậy, công trình phòng thủ vĩ đại, đồng thời cũng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc được xây dựng trên vùng đất Cổ Loa, không chỉ tồn tại trong niềm tự hào của nhân dân như là “tòa thành tiên xây” trong truyền thuyết mà còn được ghi lại trong rất nhiều bộ sử của cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.
Ở Trung Quốc đó là các sách như Hậu Hán thư, Nam Việt chí, Thủy kinh chú, Tùy thư, An Nam chí lược, Việt kiệu thư, An Nam chí nguyên, Thái Bình hoàn vũ ký. Còn ở Việt Nam, đó là các bộ sách như: Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí...
Theo truyền thuyết cũng như các thư tịch cổ mô tả, “thành cổ (Cổ Loa) rộng hơn ngàn trượng, có 9 vòng, hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành, Quỷ Long thành. Người đời Đường gọi là Sát Quỷ Côn Lôn thành, vì cho rằng thành ấy cao lắm".
Tất cả các ghi chép của sử sách xưa hoàn toàn trùng hợp với thực nghiệm kỹ thuật về "nỏ thần" của kỹ sư Vũ Đình Thanh. Điều này càng chứng minh cho trang sử chói lọi của thời đại An Dương Vương với tòa thành hình con ốc vát chóp rộng nghìn trượng (hơn 4,7km) cao như núi Côn Lôn, với nỏ thần “một lần bắn có vầng hào quang rực rỡ rọi sáng”.
Tất nhiên, hiện nay tòa thành đó không còn và đó là lý do khiến nhiều nhà khoa học phản bác hoặc nghi ngờ. Nhưng nếu tòa thành “tiên xây” hay “Sát Quỷ Côn Lôn thành” đó mà không tồn tại thì tại sao hàng chục cuốn chính sử của Trung Hoa với bề dày hàng nghìn năm văn hiến lại tốn mực, tốn thời gian ghi chép lại?
Có thể xem “tòa thành tiên xây” và "nỏ thần" là báu vật gây nỗi khiếp sợ cho khắp cả Trung Hoa cổ đại khi xưa nên mới còn đọng lại trong nhiều thư tịch cổ. Còn hiện nay, để hiểu rõ hơn về truyền thuyết, chúng ta có thể kiểm chứng qua công trình nghiên cứu "nỏ thần" của kỹ sư Vũ Đình Thanh.