(ĐTTCO) - Những cánh rừng phía Tây tỉnh Phú Yên hiện nay còn một loại “lộc rừng” đặc biệt, đó là mật ong rừng. Hàng năm, từ tháng giêng đến tháng 6 âm lịch, người dân các địa phương tạm gác công việc nhà, vào rừng lấy mật ong cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, đằng sau những mùa mật ngọt là sự tàn phá của con người, làm cho những đàn ong có nguy cơ mai một, bỏ rừng.
Được mùa
Hành khách trên hành trình thiên lý Bắc Nam, khi ngang qua chân đèo Quán Cau bên Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) lúc nào cũng thấy những điểm bán mật ong rừng tự phát của người dân. Theo tìm hiểu, những loại mật ong rừng do người dân vào rừng lấy về bán cho khách chứ không phải mật ong nuôi. Ong rừng ở đây có nhiều loại. Tuy nhiên, con ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ trong rừng săn non cho mật tốt nhất. Giá 1 lít mật dao động từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Kế đến là loại ong bọng làm tổ trong bọng cây, ụ mối, khe đá, chất lượng mật chỉ xếp sau ong ruồi. Sau cùng là loại ong thế làm tổ trên cây cao trong rừng sâu, hình thể tổ lớn, có khi to bằng nửa chiếc chiếu, mật nhiều, có vị hơi chua, không bằng mật các loại ong trên.
Khác với nhiều năm trước, 2 năm gần đây, trên địa bàn ong rừng xuất hiện rất nhiều. Sở dĩ ong rừng về nhiều, cho mật hơn mọi năm vì mấy năm rồi vùng này không có bão lớn. Bên cạnh đó, người dân trồng lại diện tích rừng keo, bạch đàn rộng nên ong có chỗ làm tổ. Đặc biệt thời tiết thuận lợi, cây rừng ra hoa nhiều, thường xuyên nên con ong cho nhiều mật. Đến mùa ong cho mật, nhiều người dân ở các xã An Hiệp, An Lĩnh, An Xuân huyện Tuy An cùng nhau vào rừng lấy mật. Anh Nguyễn Kỷ, ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, một thợ lấy ong chuyên nghiệp, cho biết: “Mấy năm trước, đến mùa mỗi người chỉ lấy được vài tổ, đủ mật để dùng, nếu có dư cũng chỉ bán 1-2 lít. Không ngờ 2 năm nay, ong lại xuất hiện rất nhiều. Chỉ riêng trong xã An Hiệp đã có mấy chục người lập thành từng “bầu” riêng, mang nước dỡ cơm đi vào những cánh rừng xa tìm ong. Lịch đi lấy ong tính theo ngày. Đi từ sáng sớm thường cuối giờ chiều trở về mang theo nhiều mật, tổ ong”.
Nhóm anh Kỷ có 4 người chung xóm lập “bầu” đi cùng. Mờ sáng, những nhóm thợ ong rời nhà. Khi vào đến rừng, mỗi thành viên trong nhóm chia đều bắt lối cứ thế cắt rừng tiến tới. Phải có kinh nghiệm mới tìm thấy ong. “Buổi sáng, tới vũng nước trong rừng nhìn ong đến đây hút nước. Lúc này mắt mình phải tỏ và nhìn tầm xa. Quan sát thấy ong bay về hướng nào sẽ biết tổ có ở hướng đó. Từ điểm đậu hút nước, ong bay vút lên cao nghĩa là tổ ở cách xa. Còn ong bay ngang vào rừng chắc chắn tổ ở gần. Xác định được hướng rồi, vào rừng chú ý tìm ở các cây to mằng lăng, ké, lậu, da đá và trong bờ đá. Ngoài cách tìm ong, nhớ ong, để dành ong cũng là một số chiêu của những người thợ. Gặp tổ ít mật mình chỉ lấy khoảng 2/3 số bánh (tàng), sau đó lấy đá nhét kín cửa, không cho nước mưa vào. Còn con non nên cả đàn ong sẽ không bỏ tổ. Làm như vậy thế nào mùa sau ong cũng trở lại ở. Trong bộ nhớ của mỗi thợ lúc nào cũng phải ghi một vài điểm đó” - anh Kỷ chia sẻ kinh nghiệm.
Những tổ ong ruồi nguyên cả con còn sống được bán cho người có thú chơi quái dị để ngâm rượu với giá khá cao. |
Nếu các thợ ong gặp ong bọng, ong lỗ, ong thế thì vắt tàng ong, lấy mật đựng vào can nhựa, gặp ong ruồi thì lấy nguyên tổ. Họ phải giữ làm sao khi về nhà tổ ong còn nguyên hình mới dễ bán. Mỗi tổ ong tùy lớn nhỏ giá cũng dao động khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của thợ ong nhìn tổ ong ruồi có thể đoán được có bao nhiêu mật để quy ra tiền tương đương giá 1 lít mật hiện hành.
Ngoài điểm bán mật ong tại chân đèo Quán Cau, còn chợ Phiên Thứ, thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp là nơi các thợ ong tập kết tổ nhiều nhất tỉnh Phú Yên. Trong những ngày chợ phiên, mật ong là mặt hàng thu hút nhiều người gần xa. Những ngày chưa đến chợ phiên, người dân đem mật ong ra phía chân đèo Quán Cau trên Quốc lộ 1 A để bán cho khách qua đường.
Nỗi lo những đàn ong vỡ tổ
Theo những người lớn tuổi ở các xã miền núi Phú Yên, cách đây hơn 15 năm, khi đó những cánh rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn, vào mùa xuân những đàn ong cho mật rất nhiều. Ngày đó, những người sống ở vùng cao không khó để lấy một vài lít mật ong về dùng. Tuy nhiên sau đó, cơn bão phá rừng với tốc độ nhanh nên những đàn ong cũng bỏ xứ. Nhiều năm liền, người dân miền núi muốn lên rừng tìm mật ong về dùng cũng thấy khó. Cách đây vài năm, đất rừng phá năm xưa giờ cũng bạc màu, người dân trồng lại rừng keo lai giúp đồi núi có màu xanh, hoa nở nhiều nên những đàn ong dần dần trở lại làm tổ.
Thành quả của các thợ ong sau một ngày tìm kiếm. |
Ong trở lại cho mật nhiều là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đằng sau những mùa mật ngọt như vậy cũng có nhiều điều lo ngại, nhất là sự tàn phá không ý thức của con người có khả năng làm cho những đàn ong quý kia ngày càng vắng bóng. Anh Nguyễn Xuân Thảo, xã An Xuân, một người có nhiều năm sống với nghề lấy ong, chia sẻ 3 điều làm anh lo lắng. Thứ nhất, tình trạng phá rừng ở các vùng cao, vùng sâu vẫn tái diễn nên những cánh rừng nguyên sinh còn lại cuối cùng cũng không thể là nơi an toàn cho những đàn ong làm tổ, sinh sản. Thứ hai, những người thợ ong chỉ cần thấy cái lợi trước mắt nên ra tay “sát hại” cả đàn ong không thương tiếc.
Bởi khi có người đến phá tổ để lấy mật, đàn ong hung hăng đốt các thợ ong. Có nhiều người thay vì hun khói xua ong sẵn sàng um lửa tận diệt, đốt chết cả đàn ong. Thứ ba, trên thị trường nhiều người chơi ngoài nhu cầu mua mật ong nguyên chất còn có kiểu chơi lạ, mua nguyên tổ ong cả tàng mật sáp và nguyên những con ong còn sống về ngâm rượu. Mua kiểu này giá tiền rất cao nên những thợ ong sẵn sàng tìm mọi cách chiều lòng khách. Không biết, trong những hũ rượu ngâm nguyên tổ ong kia có bổ dưỡng thế nào, nhưng trước mắt là sự mai một của những đàn ong rừng.