Vì sao Big 4 'yếu thế' trong cuộc đua vốn điều lệ'

(ĐTTCO) - Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) còn gọi là Big 4, hiện vẫn là những điểm sáng với lợi nhuận tỷ USD. Thế nhưng, việc tăng vốn điều lệ của Big 4 so với nhóm tư nhân lại diễn ra quá chậm.

VietinBank đã được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn, thông qua chia cổ tức bằng CP.
VietinBank đã được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn, thông qua chia cổ tức bằng CP.

Lợi nhuận cao nhưng khát vốn

Đầu tháng 1-2024, nhóm Big 4 đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Theo đó, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế (LNTT) 41.200 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch và tiếp tục lập kỷ lục mới về LNTT.

BIDV cho biết LNTT hợp nhất năm 2023 đạt trên 27.400 tỷ đồng, trong đó khối NH đạt 26.750 tỷ đồng, khối công ty con đạt 1.290 tỷ đồng và khối liên doanh đạt 945 tỷ đồng.

Với VietinBank, lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. Còn Agribank ước tính LNTT năm 2023 khoảng 25.300-25.400 tỷ đồng, tăng 14,5-15% so với 2022.

Trong năm 2023, Big 4 đã bơm ra nền kinh tế tổng cộng hơn 684.800 tỷ đồng, tương đương 41,9% dư nợ tín dụng tăng thêm của toàn bộ nền kinh tế.

Như vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Big 4 cho thấy vẫn giữ tốt vị thế dẫn đầu về kết quả kinh doanh trong hệ thống. Thế nhưng, Big 4 vẫn tồn tại vấn đề riêng, đó là câu chuyện tăng vốn.

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ (VĐL) tối đa 17.100 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2021-2023. Nhưng số vốn tăng thêm này cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Agribank đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được cấp bổ sung VĐL 10.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình, chia sẻ VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất cho phép NH được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn, phê duyệt chủ trương cho VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 (5 năm) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Điều này cũng từng được các lãnh đạo NH của nhóm Big 4 đề xuất ở các hội nghị triển khai nhiệm vụ NH trước đó.

Vấn đề tăng VĐL của Big 4 cần nhìn thấu đáo và giải quyết phù hợp, nếu vẫn xem nhóm NH này là những đầu tàu chủ lực, đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường.

Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Vietcombank, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đã giao nhiệm vụ cho nhà băng này sớm trình phương án tăng VĐL từ nguồn lợi nhuận để lại từ 2021 hơn 28.000 tỷ đồng, trình Quốc hội trong phiên họp gần nhất. Đồng thời, NH chủ động xây dựng kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022, hạn chế nguồn phát hành riêng lẻ, tránh pha loãng sở hữu nhà nước.

Phó Thống đốc nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp thiết các NH có nguồn lực mở rộng hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đề nghị Vietcombank phối hợp với BIDV và VietinBank đề xuất với NHNN, Chính phủ, Bộ Tài chính theo hướng khác, không đề nghị từng lần nữa.

Vị thế dẫn đầu dần bị mất

Mấy năm gần đây, phong trào tăng VĐL trỗi dậy mạnh mẽ ở các NHTM. NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng VĐL đối với 21 NHTMCP trong năm 2023. VĐL tăng thêm chủ yếu từ các nguồn vốn chủ sở hữu của NH (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ), bán vốn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Với NHTM có vốn nhà nước, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021; chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…

Tuy nhiên, mức tăng VĐL của nhóm Big 4 đến nay vẫn chưa như kỳ vọng, đang bị các NHTMCP vượt mặt trên bảng xếp hạng VĐL. Cụ thể ngày 28-11-2022, NHNN đã có Quyết định về việc sửa đổi nội dung giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank, theo đó VĐL trong giấy phép được sửa đổi thành hơn 67.434 tỷ đồng.

Với mức VĐL trên, VPBank đã chính thức trở thành NH có VĐL lớn nhất hệ thống. Tiếp theo ngày 14-11-2023 NHNN cho phép VPBank tăng VĐL từ 67.434 tỷ đồng lên 79.339 tỷ đồng.

Tháng 8-2023, VĐL của MB Bank cũng tăng từ 45.340 tỷ đồng lên 52.141 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, MB Bank đã vượt qua Big 4 trở thành NH có VĐL cao thứ 2 hệ thống, chỉ sau VPBank.

Sau đó, Vietcombank phát hành gần 857 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, nâng VĐL lên từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng mới lấy lại vị trí thứ 2.

Trong cuộc đua tăng VĐL, dự báo nhóm Big 4 vẫn gặp nhiều cản trở trong việc lấy lại vị thế dẫn đầu. Bởi tại Big 4 cổ đông Nhà nước nắm giữ tỷ lệ cổ phần rất cao (100% tại Agribank, 80,99% tại BIDV, 64,46% tại VietinBank, 63,34% tại Vietcombank).

Cổ đông này luôn muốn trả cổ tức bằng tiền mặt vì rất cần tiền để bù đắp bội chi ngân sách của Chính phủ. Ngược lại, các NH cảm thấy cổ tức này được giữ lại sẽ tăng vốn chủ sở hữu, một nền tảng quan trọng để các NH mở rộng hoạt động.

Áp lực tăng vốn rất lớn nhưng HĐQT Big 4 không thể tự quyết phương án chia cổ tức. Muốn tăng vốn, phải trình NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội và chờ phê duyệt. Thêm nữa, việc này phải đi xin từng năm, theo trình tự.

Nhu cầu bổ sung vốn đeo đẳng nhóm Big 4 còn do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM nhà nước (9,56%) ít hơn nhóm NHTMCP (11,5%). Theo tính toán của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, hệ số CAR của VPBank sau khi tăng vốn sẽ lên gần 19%, dẫn đầu các NH tại Việt Nam.

Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với CAR trung bình theo Thông tư 41 của khối NHTMCP và tiệm cận ngưỡng trung bình 20,87% của các NH nước ngoài. Trong khi đó, Big 4 có nền tảng rất tốt song về lâu dài, nếu không tăng vốn đủ mạnh sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng do không đảm bảo được CAR.

Trong bối cảnh các NH có vốn nhà nước đang rất cần tăng VĐL, Nhà nước là cổ đông lớn nên có trách nhiệm hỗ trợ, thay vì muốn lấy cổ tức ra càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, hiện các NHTM có vốn nhà nước vẫn mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với việc Nhà nước vẫn muốn giữ tỷ lệ khống chế mức cao cũng gây cản trở đầu tư, nên việc thoái bớt vốn cũng cần tính đến để mở ra cơ hội cho nhóm NH này.

Các tin khác