Kỳ vọng sôi động nhờ iPhone 14
Trước khi đối mặt với những khó khăn trên, CTCP Thế giới số (DGW) đặt mục tiêu quý IV với doanh thu thuần đạt 7.500 tỷ đồng (tăng 23,7% so với quý III), lợi nhuận ròng đạt 300 tỷ đồng (tăng 66,4% so với quý III). Việc DGW đặt mục tiêu tham vọng trên, xuất phát từ sự kiện mở bán IPhone 14 tại Việt Nam sớm hơn mọi năm.
Cụ thể, tại sự kiện “Far Out” ngày 7-9, Apple cho ra mắt các sản phẩm iPhone 14, Apple Watch và AirPods Pro thế hệ mới. Theo đó, iPhone 14 Pro và 14 Pro Max sẽ được đặt hàng trước vào ngày 9-9, và được giao vào ngày 16-9 tại các thị trường cấp 1. Các mốc thời gian này sớm hơn so với mẫu iPhone 13 khoảng 8 ngày khi được công bố vào 14-9 năm ngoái. Như vậy, iPhone 14 được mở bán tại Việt Nam sớm hơn 1 tuần.
Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), việc mở bán iPhone sớm là yếu tố hỗ trợ lớn cho doanh số quý IV của các nhà bán lẻ ngành công nghệ thông tin (ICT), trong bối cảnh sức mua của các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu đang chịu áp lực trước đà tăng của lạm phát.
Xét về mức độ tác động tới doanh số các nhà bán lẻ ICT niêm yết, việc iPhone được mở bán sớm hơn sẽ tác động lên tăng trưởng doanh số của các doanh nghiệp (DN) bán lẻ, như CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), CTCP Thế giới di động (MWG), Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) và cả DGW.
Trong những năm gần đây, Apple đã có những động thái thể hiện sự quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam, như rút ngắn thời gian mở bán chính thức, tăng thêm 2 nhà phân phối (DGW và PET) kể từ 2020, xây dựng chính sách quản lý bán hàng chính hãng nghiêm ngặt cho các nhà bán lẻ được ủy quyền, cũng như hợp tác nhiều hơn với các chuỗi bán lẻ trong việc xây dựng các hệ thống cửa hàng brand store.
Sự quan tâm này, cùng với việc các đường bay thương mại quốc tế gần như bị đóng băng trong 2 năm vừa qua, đã hạn chế lượng lớn hàng Apple xách tay về Việt Nam, giúp thúc đẩy nhanh thị trường hàng Apple chính hãng. Theo Trung tâm Thông tin thương mại và Công nghiệp, giá trị nhập khẩu iPhone đã tăng 160% trong năm 2021 (đạt 1,23 tỷ USD). Trong khi đó, tổng quy mô thị trường Apple chính hãng được ước tính có giá trị khoảng 1,5 tỷ USD, và dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số trong năm nay nhờ yếu tố thuận lợi về thời gian mở bán của iPhone 14.
Thực tế ảm đạm
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, triển vọng về kết quả kinh doanh quý IV của DGW khá tiêu cực, mà theo CTCK Bảo Việt (BVSC) bởi 2 yếu tố: nhu cầu suy giảm và vấn đề nguồn cung. Việc khan hiếm nguồn cung iPhone 14 Pro và Pro Max do chính sách zero-Covid của Trung Quốc tác động lên các hoạt động sản xuất. Từ đó kéo theo sự sụt giảm về doanh thu của các DN bán lẻ ICT trong những tháng cuối năm. Cùng chịu tác động tiêu cực nguồn cung như DGW là MWG.
Thậm chí, MWG còn bị nặng nề hơn khi doanh thu điện thoại di động cấp thấp và thiết bị điện tử tiêu dùng chậm lại trong tháng đầu tiên của quý IV.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ NĐT tổ chức ngày 23-11, đại diện MWG cho biết, doanh thu thuần trong tháng 10 của chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm trên một phần đến từ mức tăng trưởng cao trong cùng kỳ năm ngoái sau quá trình giãn cách, nhưng cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điện thoại di động đang chững lại.
Trong đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ các sản phẩm iPhone và hệ sinh thái Apple có thể thấp hơn so với trước đây, khi nguồn cung dự kiến bị thiếu hụt do các biện pháp kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc, cũng như tình trạng đình công của công nhân tại Foxconn, đơn vị sản xuất khoảng 70% lượng iPhone toàn cầu.
Bán lẻ không còn dễ ăn
Bán lẻ không còn dễ ăn
Cũng trong buổi gặp gỡ NĐT này, lãnh đạo MWG dự báo khả năng chỉ hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận 2022, đồng thời giữ quan điểm thận trọng về tăng trưởng năm 2023 trong tình hình kinh tế đang suy thoái khiến sức mua yếu hơn. Đây cũng là nguyên nhân MWG không nhấn mạnh và không đề ra mục tiêu cụ thể cho việc mở rộng mạng lưới cửa hàng của từng chuỗi kinh doanh trong 2023. Như vậy, việc MWG hạn chế chia sẻ kế hoạch cho thấy thị trường bán lẻ không còn dễ ăn như trước đây.
Theo giới phân tích, bên cạnh sức mua giảm, các DN bán lẻ còn chịu áp lực từ việc lãi suất tín dụng tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Lấy dẫn chứng từ trường hợp FRT, dù tỷ lệ chi phí lãi vay ròng trên nợ ròng trung bình tương đối thấp trong những năm gần đây, nhưng DN này vẫn đang gánh khoản nợ ròng tính đến tháng 9 lên tới 2.499 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn.
Đây là mức tăng khá cao nếu so với con số 1.562 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2021. Kế đến là khó khăn do biến động tỷ giá, dù có thể không tác động đáng kể đến các khoản nợ của FRT vì nợ bằng ngoại tệ chỉ chiếm 6% tổng nợ vay ngân hàng, song có khả năng tác động bất lợi lên biên lợi nhuận gộp của chuỗi FPT Shop do phần lớn sản phẩm được nhập khẩu.
Trong bối cảnh sức mua yếu như hiện tại, khả năng FRT chuyển toàn bộ phần tăng trong giá vốn hàng bán sang cho người tiêu dùng là bài toán hóc búa.
Theo báo cáo tài chính quý III của PET, mảng điện thoại đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu. Cụ thể, doanh thu điện thoại đạt 1.721 tỷ đồng (chiếm 42%), trong khi mảng laptop và hạt nhựa chiếm lần lượt 41% và 9%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trong kỳ của PET chỉ đạt 4,9%, so với 5,1% của quý III năm ngoái.
Nguyên nhân do giá bán các sản phẩm như laptop giảm mạnh khi văn phòng và trường học trở lại hoạt động bình thường. Nay với những dự báo kém sáng sủa về mảng điện thoại, khả năng PET bắt đầu đi vào chu kỳ tăng trưởng âm rất cao. Càng đáng lo hơn, DN này thường xuyên sử dụng tiền để đầu tư “bừa bãi”. Trong quý III vừa qua, PET phải trích lập khoản dự phòng 166 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và chi phí lãi vay tăng mạnh lên 94 tỷ đồng (tăng 158%).