Vì sao sản phẩm OCOP khó vào siêu thị?

(ĐTTCO)-Sản phẩm OCOP được hiện diện trên các quầy kệ chưa nhiều so với lượng sản phẩm được công bố hiện nay.
Sản phẩm OCOP vào siêu thị có đủ khả năng cạnh tranh mang lại doanh số tốt và lợi nhuận tốt để tồn tại? (Ảnh: NQ)
Sản phẩm OCOP vào siêu thị có đủ khả năng cạnh tranh mang lại doanh số tốt và lợi nhuận tốt để tồn tại? (Ảnh: NQ)

Theo các hệ thống bán lẻ lớn như Sài Gòn Coop, BigC, MM… lượng sản phẩm OCOP vào siêu thị rất ít, vấn đề luôn được nhắc tới là nhà cung cấp có đủ khả năng cạnh tranh được và trụ lại không, có mang lại doanh số tốt và lợi nhuận tốt để tồn tại?

Hàng đạt chuẩn nhưng khó chen chân

Mặc dù có chất lượng tốt, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng sản phẩm OCOP vẫn không dễ dàng vào các siêu thị. Đây cũng là những phản ảnh của các nông hộ, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đại điện một số hệ thống siêu thị lớn, sản phẩm OCOP dù đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên để vào được các siêu thị tổ hợp tác phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Vào được siêu thị là một chuyện, nhưng để hàng hóa tiêu thụ nhanh chóng, tiếp cận được khách hàng buộc các sản phẩm phải đồng hành với các chương trình khuyến mãi, kích cầu... cùng với các hệ thống siêu thị.

Bên cạnh đó, ngoài chất lượng, sản lượng, giá thành phải ổn định, một số mặt hàng OCOP khó vận chuyển xa phải tính toán đến phương án giao nhận hàng phù hợp. Tuy nhiên với phương thức làm ăn nhỏ, manh mún thiếu tính chuyên nghiệp nên sau vài tháng, nhiều sản phẩm khó có thể cầm cự lâu dài.

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, một địa phương có nhiều sản phẩm OCOP, nhận định: "Tỉnh cũng hết sức chú ý đến vấn đề này, về nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề này cũng chưa cao lắm, cần phải khơi thông. Ở đây không phải chỉ việc sản xuất mà phải là một hệ thống từ thu mua, bảo quản cho đến vận chuyển, đưa vào tiêu thụ thì mới có thể phát triển được".

Theo quy định, doanh nghiệp, HTX còn phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng vào những siêu thị, nhất là những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket, Co.op... chưa kể phải chấp nhận yêu cầu công nợ dài ngày, chiết khấu cao. Những yêu cầu này doanh nghiệp khó đáp ứng vì nguồn vốn hạn hẹp. Hiện nay nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ trong giao dịch, mua bán, khó kết nối với siêu thị và chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác… Điều này khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.

Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C, một số sản phẩm lên được kệ nhưng cần một quá trình để thu hút người dùng, đủ năng lực đồng hành với nhà bán lẻ trong các chính sách quảng bá, chăm sóc khách hàng.

Ông Paul Le nêu rõ: "Quan trọng là phải giữ được sản phẩm lâu tươi rồi tìm cách chuyển hàng tới siêu thị nhanh. Chúng tôi sẽ cố gắng bố trí trưng bày lên kệ và giữ hàng tươi lâu hơn, có như vậy khách hàng mới thích, mới bán được. Hiện nay bà con sản xuất tốt rồi thì phải tìm cách làm sao để vào được siêu thị. Không chỉ tiêu thụ nội địa mà sắp tới nhà sản xuất OCOP phải suy nghĩ cách để đưa hàng ra các siêu thị quốc tế, như vậy mới tiêu thụ hiệu quả và khách hàng mới biết hàng hóa Việt tốt như thế nào".

Luôn có chỗ cho thương hiệu mới

Để sản phẩm OCOP có thể vào hệ thống phân phối lớn ngoài các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hơn về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm… thì luôn có chỗ cho những thương hiệu mới, quan trọng là năng lực cung ứng.

Đại diện hệ thống Mega Maket cho hay, siêu thị tạo điều kiện tối đa cho sản phẩm đặc trưng, nhất là cao điểm tiêu thụ hàng tết đang đến gần. Qua đó hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị.

Một số tỉnh thành trong đó có TP.HCM sẽ rà soát lại việc chứng nhận các sản phẩm OCOP. (Ảnh: NQ)

Theo bà Huỳnh Thị Phương Vân, Trưởng phòng Marketing Mega Maket, ngoài việc phối hợp với các tỉnh thành triển khai tuần lễ hàng OCOP, để tiêu thụ hiệu quả thì MM đã triển khai số hóa hoạt động mua bán, thông qua các hoạt động bán hàng online, livestream cũng như hỗ trợ nhà cung cấp OCOP chuẩn hóa mặt hàng trước khi lên kệ…

"Nếu trước đây họ chỉ là những hộ kinh doanh, chất lượng có thể chưa đồng đều, thì bây giờ khi bắt đầu tiến vào sản xuất chuyên nghiệp buộc phải chuẩn hóa để chất lượng sản phẩm đầu ra đồng đều. Giá trị trên những kệ siêu thị cũng sẽ khiến sản phẩm OCOP ở mức cao hơn trong mắt người tiêu dùng…" - bà Phương Vân nhấn mạnh.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đang được nhân rộng và lan tỏa khắp cả nước. Tại TP.HCM hiện có 56/114 HTX có sản xuất kinh doanh sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. TP đã đánh giá và có quyết định phân hạng sản phẩm OCOP đối với 28 sản phẩm. Trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét đánh giá đạt 5 sao.

Hàng OCOP gặp khó khăn khi chưa đủ năng lực đồng hành với nhà bán lẻ trong các chính sách quảng bá, chăm sóc khách hàng. (Ảnh: NQ)

Theo bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn- Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới TP.HCM, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện hồ sơ, đăng ký đánh giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tiến hành rà soát, đánh giá lại những sản phẩm đã được công nhận. Từ đó tiếp tục chuẩn hóa chất lượng, quy chuẩn, hồ sơ cũng như năng lực cung ứng tiêu thụ, giúp sản phẩm OCOP thuận lợi bước vào các siêu thị lớn.

Bà Hoàng Thị Mai cho biết thêm: "Đối với sản phẩm OCOP 4 sao sẽ do hội đồng cấp TP công nhận, còn 3 sao thì được giao cho các địa phương chủ động xem xét đánh giá, công nhận. Vì vậy, trong thời gian tới công tác kiểm tra rà soát đối với những sản phẩm OCOP đã được công nhận có thêm trách nhiệm của địa phương. Với việc phân cấp này, địa phương vừa công nhận và phải vừa giám sát đánh giá lại sản phẩm của mình".

Sau những cam kết hỗ trợ, kết nối xúc tiến thương mại của các ngành chức năng, trước nhu cầu thay đổi về tiêu dùng, việc chủ động hoàn thiện, chuẩn hóa sản xuất cũng như nâng cao năng lực cung ứng được xem là có vai trò quyết định, có thể giúp các mặt hàng OCOP mở rộng chuỗi tiêu thụ, nhất là trong hệ thống siêu thị.

Các tin khác