Mặt trái của tín dụng bán lẻ
VIB là NH tầm trung với mức tổng tài sản 384.000 tỷ đồng. VIB được biết là NH cho vay bán lẻ hàng đầu hệ thống NHTMCP với tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm 92% tổng tín dụng. Trong đó, 2 mảng cho vay chính của VIB là vay mua nhà và vay mua ô tô. Tính đến cuối quý III-2023, thị phần tín dụng và huy động trong toàn hệ thống NH của VIB lần lượt chiếm 1,9% và 1,7%.
Với lợi thế tập trung bán lẻ, VIB là NH có biên lãi thuần cao, nhưng chiến lược kinh doanh này lại nảy sinh nhiều rủi ro khi môi trường kinh doanh không thuận lợi. Cụ thể, việc mở rộng quy mô tín dụng trong quá khứ, giúp VIB chiếm thị phần cho vay bán lẻ trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng nhanh (giai đoạn 2015-2022), đồng thời phù hợp với quy mô nhỏ của VIB thời điểm đó.
Tuy nhiên, hướng đi này gây áp lực lên chất lượng tài sản trong giai đoạn nền kinh tế bất ngờ đảo chiều. Đơn cử là trong năm 2023, do ảnh hưởng từ lãi suất tăng cao, môi trường kinh doanh khó khăn, nên sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế rất yếu. Xu hướng này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, mà cũng khiến nhiều người dân thắt chặt hầu bao trước các khoản vay lớn để mua nhà, mua xe.
Chịu tác động từ xu hướng chung, tăng trưởng tín dụng của VIB trong năm 2023 rất yếu. Tổng kết 9 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng (gồm cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) của VIB chỉ tăng 5,4%, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung ngành là 6,9%.
Với kết quả thực tế này, giới phân tích đánh giá VIB có thể sẽ kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 10%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp là 14,25%.
Tuy nhiên, nếu báo cáo tài chính năm 2023 được công bố trong những ngày sắp tới, VIB dù sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì đây chưa hẳn là tín hiệu tốt. Bởi việc đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có mức độ tín nhiệm cao thường đi kèm với điều kiện lãi suất cho vay thấp, gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM).
Nan giải “bài toán" nợ xấu
Ngoài sự “hụt hơi” về tăng trưởng tín dụng, VIB còn đối mặt với thách thức quan trọng đó là nợ xấu tăng cao. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng và nền kinh tế gặp khó khăn, khiến thu nhập của nhóm khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực, từ đó làm giảm khả năng trả nợ của nhóm đối tượng khách hàng của VIB.
Thậm chí, nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng của Covid-19, cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cho thấy mức độ ảnh hưởng dai dẳng hơn nhiều.
VIB sẽ tiếp tục chịu áp lực tiêu cực từ nợ xấu tăng cao và đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý tới, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2024.
Chính vì lý do kể trên, dù tỷ lệ nợ xấu tăng cao cũng là rủi ro chung của hệ thống NH, nhưng với VIB lại là câu chuyện khá nan giải. Hiện tại, Thông tư 02 cho phép giãn nợ tín dụng đã được ban hành, VIB vẫn chưa thể kìm hãm được tác động của nợ xấu.
Theo thống kê, trong quý III-2023, tỷ lệ nợ xấu của VIB tiếp tục tăng so với quý trước (đạt 3,7%). Tương tự, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng duy trì cao ở mức khoảng 6,4% tổng tín dụng. Với tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức cao, nên dù đã đẩy mạnh trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VIB vẫn khá thấp, chỉ cải thiện nhẹ từ 39% (quý II-2023) lên 41% (quý III-2023).
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn như hiện tại, các chuyên gia phân tích của CTCK DSC, đánh giá VIB sẽ tiếp tục phải chịu áp lực tiêu cực từ nợ xấu tăng cao và đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý tới, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận.
Thực tế, do tình trạng nợ xấu tăng cao, VIB đã liên tục phải tăng cường mức dự phòng rủi ro nợ xấu hàng quý xuyên suốt năm 2023. Riêng trong quý III-2023, VIB đã phải chi đến 1.625 tỷ đồng cho chi phí dự phòng tín dụng.
CP hết lực đẩy?
Vì phải dành số tiền khá lớn để trích lập dự phòng, nên lợi nhuận trước thuế quý III-2023 của VIB giảm 3,9% xuống còn 2.683 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng cho tổn thất tín dụng tăng 45,7%.
Đây là yếu tố tiêu cực trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của VIB ở thời điểm hiện tại và thậm chí trong tương lai gần. Do rủi ro từ nợ xấu tăng cao, kéo theo áp lực trích lập dự phòng, ước tính lợi nhuận trước thuế 2023 của VIB tăng trưởng thấp hơn kế hoạch HĐQT đã đề ra, đạt khoảng 10.854 tỷ đồng (tăng 2,6%).
Nhận định này phù hợp với báo cáo phân tích của VIB vừa được một CTCK công bố. Theo đó, dù đưa ra nhiều yếu tố tích cực khi nhận định về môi trường kinh doanh 2024, nhưng các chuyên gia CTCK này cho rằng VIB khó có sự tăng trưởng mạnh khi phải đối mặt với nhiều thách thức như: NIM chịu áp lực giảm và tỷ lệ nợ quá hạn ở mức cao.
Ngoài ra, VIB cũng là một cái tên lớn trong mảng bảo hiểm khi chiếm tới 15% thị phần bancassurance. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023 đến nay, mảng kinh doanh này gặp nhiều trắc trở sau khi xuất hiện một số thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động bán chéo sản phẩm sai quy định. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng yếu cũng khiến việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm gặp khó đối với NH.
Theo giới phân tích, nếu sử dụng mức P/B trung vị 5 năm là 1,45x, giá mục tiêu của VIB 12 tháng tới đạt 21.800 đồng/CP. Theo thống kê báo cáo phân tích của một số CTCK, giá mục tiêu trung bình 12 tháng tới của VIB đạt trung bình 21.600 đồng/CP.
Trên thị trường, thị giá của VIB đang tương đương với mức giá mục tiêu này. Chính vì vậy, ngoài các yếu tố rủi ro kể trên, việc VIB không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khiến cho CP lặng sóng cũng là điều dễ hiểu.