Thị trường Gấu
Thị trường giảm giá 20% kể từ đỉnh sẽ được xem là chuyển sang thị trường con Gấu. Nhưng điều đáng buồn là đỉnh lịch sử được lập mới 1 tháng trước (2-2020) với DJ30 ở mức xấp xỉ 30.000 điểm, hiện nay đã về tới mốc 20.000 điểm khi mà vùng 23.000-24.000 ranh giới của xu hướng tăng/giảm dài hạn đã bị xuyên qua.
TTCK toàn cầu trong đó có Việt Nam cũng lao dốc dữ dội, các chỉ số từ châu Âu, châu Á, Mỹ La tinh đều đua nhau tạo lập các đáy mới, hàng trăm tỷ USD bị thổi bay chỉ trong vài ngày. Đó là còn chưa tính tới các thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn nữa. Nỗi lo dịch bệnh lan rộng nhưng cao hơn nữa khi mà niềm tin bị mất, phủ bóng đen bao trùm TTCK và thị trường tài chính. Các biện pháp kích cầu hàng loạt của nhiều quốc gia bị giới đầu tư đánh giá là quá muộn.
Nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) hạ lãi suất, nới lỏng tiền tệ, bơm tiền… Chính phủ các quốc gia thì đưa ra các gói giảm thuế, kích cầu nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng trở lại hầu như chỉ góp phần làm tăng thêm sự sợ hãi. Bởi kinh tế thế giới vốn đã tăng trưởng chậm trong 3 năm qua, lãi suất ở nhiều khu vực tiệm cận 0% (Mỹ, Canada, New Zealand, Anh, Úc) hoặc âm (EU, Nhật Bản) từ lâu, cho thấy rất rõ hiệu quả của nới lỏng tiền tệ là rất thấp.
Báo động nợ công
Báo động nợ công
Hiện điều duy nhất các NHTW làm rất tốt chính là nguyên nhân khiến cho cục nợ của thế giới tăng vọt. Nợ công hết năm 2019 đã vượt 70.000 tỷ USD, riêng Mỹ đóng góp 1/3 trong số này, thậm chí tỷ lệ ngày càng tăng khi trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ vẫn đang hút hàng liên tiếp. Lợi suất của TPCP liên tục phá đáy gần như mỗi ngày kể từ khi CK Mỹ đạt đỉnh trong 1 tháng qua, cho thấy dòng tiền đã bị rút mạnh khỏi CK Mỹ nói riêng và TTCK thế giới nói chung nhiều như thế nào.
Thống kê trong 11 tháng kể từ tháng 12-2018 đến tháng 10-2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu (CP) trên toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh nhất và kéo dài nhất của CP trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng đón nhận dòng vốn 372 tỷ USD. Riêng chỉ trong 1 tuần tháng 12-2019, Bank of America cho biết các quỹ trái phiếu đã thu hút được 9,1 tỷ USD trong khi chứng kiến 1,7 tỷ USD chảy ra khỏi các quỹ đầu tư CP.
Khởi đầu tuần đầu năm 2020 giới đầu tư cũng đã rút 13,1 tỷ USD ra khỏi các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF nắm giữ CK Mỹ. Đây là đợt rút vốn lớn nhất ra khỏi TTCK Mỹ kể từ tháng 9-2019. Trong cùng thời điểm nhà đầu tư (NĐT) lại đổ 24,7 tỷ USD vào các quỹ TPCP đánh dấu tuần rót vốn lớn nhất kể từ năm 2013.
Cục nợ của thế giới cũng không vừa khi nợ thế giới hiện tại (bao gồm nợ công, nợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) đã tiến lên xấp xỉ 260.000 tỷ USD (gấp 3 lần trong 20 năm qua). Nếu vậy kinh tế toàn cầu như đang “đi trên dây” giai đoạn hiện nay, nợ nần ngày càng cao và hiện cao nhất lịch sử nhân loại, con đường thế giới đang đi vốn chỉ được lát bằng “gạch nợ” và chỉ có một chiều làm cho bạn không thể quay lại.
Trong khi TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, thì kinh tế đi xuống TTCK sẽ khó có động lực tăng trưởng được nếu không muốn nói sẽ còn xấu hơn. Giống như một câu nói của tỷ phú Warren Buffett: “Chỉ khi thủy triều đi xuống mới biết ai đi bơi mà không bận đồ bơi”. Và đúng là giới đầu tư đều nghĩ ông ấy lú lẫn khi gần như chỉ giữ tiền mặt suốt năm 2019 và bây giờ có lẽ mọi người đã hiểu.
TTCK sẽ đi về đâu?
TTCK sẽ đi về đâu?
Khi hoảng loạn mọi người sẽ không còn phân biệt được xấu hay tốt như Warren Buffett đã từng nói: “Sẽ là khôn ngoan hơn nhiều nếu mua được một công ty tuyệt vời với mức giá vừa phải, hơn là mua một công ty vừa phải với một mức giá tuyệt vời”. |
Đầu tiên là nhu cầu đầu tư an toàn vẫn đang tăng, tức dòng tiền rút ra khỏi các kênh mạo hiểm như CK, bất động sản tìm nơi trú ẩn chảy vào các “vịnh tránh bão” như vàng. Thế nên, CK Mỹ đã khó lại càng khó. Số liệu ước tính từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và Capital Economics năm 2019 các NHTW mua khoảng 700 tấn vàng, mức cao nhất trong 60 năm. Những định chế tài chính lớn như các quỹ đầu tư đặc biệt là các quỹ ETFs ước tính đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng - mức cao nhất lịch sử mọi thời đại. Đồng USD dù giảm gần đây nhưng tăng giá 9 năm liên tiếp bất chấp Fed hạ lãi suất liên tục 2 năm qua, khiến CK Mỹ đắt hơn dễ kích hoạt các động thái chốt lời, bán ra để bù lỗ.
TTCK và kinh tế Mỹ vốn là đầu tàu của thế giới do chiếm tỷ trọng cao ở cả 2 khu vực này. Tuy vậy, nhiều tổ chức tài chính, tổ chức kinh tế bắt đầu có những dự báo lo ngại nhiều hơn về TTCK Mỹ. Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Vanguard (hiện đang quản lý 5.600 tỷ USD) Joseph Davis, nhận định tới 50% khả năng thị trường điều chỉnh trong năm 2020, cao hơn con số 30% của chính đánh giá trước đó.
Dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hậu quả của nó còn lâu mới có thể khắc phục. Việc cứu nguy của các NHTW sẽ có ý nghĩa gì nếu các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn để hoạt động, việc đi lại bị giới hạn khiến giao thương bị hạn chế dẫn đến khó tiếp cận nguồn nguyên vật liệu sản xuất và người dân thì không dám ra đường. Do đó hoạt động của các công ty sẽ khó mà khả quan thậm chí có thể là rất tệ và như vậy tác động tiêu cực đến giá CP.
TTCK Mỹ và thế giới đã có giai đoạn tăng rất dài kể từ cuộc khủng hoảng 2008 mà hầu như chưa có thời điểm nào điều chỉnh đáng kể. Do đó áp lực điều chỉnh là rất lớn sẽ khiến TTCK khó có thể nào quay trở về xu hướng tăng trong ngắn hạn được, ngoại trừ những phiên phục hồi.
Cuối cùng là niềm tin vốn là thứ xa xỉ nhất trong lúc này và khi nó bị mất đi khiến tất cả các biện pháp kích cầu, ngăn ngừa dịch bệnh chỉ làm NĐT hoảng loạn thêm do họ đánh giá đó là những biện pháp tuyệt vọng. Minh chứng là hàng loạt gói kích thích, hạ lãi suất, bơm hàng trăm tỷ USD của Fed và các NHTW gần như bị phản tác dụng trong lúc này.
Ánh sáng cuối con đường
Ánh sáng cuối con đường
Những dòng tít “CK phá đáy”, “thị trường rồi sẽ đi về đâu” xuất hiện nhan nhản. Tương lai của TTCK toàn cầu đang quá mờ mịt khi mà có quá nhiều lý do ủng hộ cho cho điều đó. |
Bên cạnh đó, việc giữ vàng của các NHTW, định chế tài chính lớn cũng là một biện pháp phòng thủ về dài hạn một khi tiền giấy được in ra nhiều quá. TTCK sụt giảm càng mạnh thì lòng tham càng nhiều, lực bắt đáy sẽ mạnh dần lên, nhưng cũng không phải là một tương lai gần.
Các chính sách kính thích được đưa ra ngày một nhiều nhưng không chỉ đơn thuần là nới lỏng tiền tệ mà còn là thuế, tài khóa, hỗ trợ thương mại, tìm kiếm đối tác, khách hàng tiềm năng… đi vào thực chất hơn. Chất lượng nợ ngày càng được siết chặt để hạn chế chữ nợ có thêm chữ xấu phía sau.
Khó khăn cũng giúp các doanh nghiệp biết tối ưu hiệu quả kinh doanh hơn, cắt giảm chi phí không cần thiết, xài tiền hợp lý hơn chứ không vung tay thoải mái như trước. Nhiều doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa, tránh họp hành không cần thiết, thiết lập các văn phòng ảo, phòng họp ảo để nâng cao hiệu quả công việc mà tiết kiệm chi phí giấy tờ, trà nước, di chuyển.
Như vậy chúng ta có thể tin tưởng “sau cơn mưa trời lại sáng” chứ không phải “sau cơn mưa này sẽ tiếp tới cơn mưa khác”, hoặc “sau cơn mưa thì tới những cơn giông”. Tuy vậy điều này sẽ cần thời gian dài chứ không phải một vài ngày hoặc vài tuần thì mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại ngay được.