Việt Nam - Chiến trường fintech Đông Nam Á

(ĐTTCO) - Đối với công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam MoMo, chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến với Grab, Sea và các đối thủ khác ở thị trường 100 triệu người tiêu dùng, có thể là chỉ một tách cà phê.
Một cửa hàng tiện lợi ở TPHCM nhận thanh toán bằng các ví điện tử như MoMo, Moca, ZaloPay và VNPay.
Một cửa hàng tiện lợi ở TPHCM nhận thanh toán bằng các ví điện tử như MoMo, Moca, ZaloPay và VNPay.
Thị trường hấp dẫn
MoMo ra mắt vào năm 2013 và trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam. Vì là người đi đầu, họ có thời gian để xây dựng mối quan hệ với hàng chục ngàn cửa hàng ngoại tuyến, kết nối chúng với công nghệ chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng. MoMo hiện chiếm 60% thị trường thanh toán di động của Việt Nam, xử lý giao dịch trị giá 14 tỷ USD hàng năm cho hơn 25 triệu người dùng.
Tuy nhiên, sự nổi lên của MoMo đã thu hút các đối thủ ở nước ngoài, giúp biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á. Hàng chục công ty, bao gồm những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á Sea và Grab, đã tham gia thị trường này và không ngại đốt tiền để thu hút người dùng. 
Các nhà phân tích dự đoán sẽ có rất ít người sống sót trong cuộc chiến, không chỉ chống lại nhau mà còn chống lại các dịch vụ tương tự từ các ngân hàng và công ty viễn thông. Takahiro Suzuki, đối tác quản lý của Genesia Ventures và là nhà đầu tư lâu năm tại Indonesia và Việt Nam, cho biết: “Thị trường cuối cùng có thể hợp nhất thành 2 hoặc 3 người chơi. Nhưng các nhà đầu tư đứng sau họ có túi rất sâu. Miễn là tiền tiếp tục chảy vào, nhiều công ty có thể cùng tồn tại”.
Trận chiến đó có vẻ sẽ khốc liệt hơn. VNLife, nhà điều hành ví di động VNPay được hỗ trợ bởi SoftBank Group’s Vision Fund, cho biết vào tháng 7 họ đã huy động được 250 triệu USD từ General Atlantic, Dragoneer Investment Group, PayPal Ventures. 
Trong khi MoMo nói vào tháng 1 họ đã huy động được 100 triệu USD từ quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus của Mỹ. Ngoài việc mở rộng mạng lưới cửa hàng chấp nhận ứng dụng, MoMo đang chạy đua để mở rộng dịch vụ sang các lĩnh vực như bảo hiểm xe máy và cho vay tiêu dùng. Momo còn mua lại một công ty phần mềm để tăng tốc độ phát triển sản phẩm.
Covid - Điểm uốn quan trọng
Dù nền kinh tế của Việt Nam nhỏ hơn Indonesia, Thái Lan và Philippines, nhưng các nhà đầu tư nói lĩnh vực fintech Việt Nam đặc biệt hấp dẫn. Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất trong khu vực với khoảng 80% dân số trưởng thành, trong khi số lượng chi nhánh ngân hàng trên đầu người tương đối thấp. 
Các cơ quan quản lý đã thể hiện sự ủng hộ đối với fintech, trao giấy phép ví điện tử cho hàng chục công ty. Sự kết hợp đó đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các công ty khởi nghiệp muốn cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua điện thoại thông minh.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã giảm bớt một nút thắt để fintech có thể phát triển. Do phải thực hiện việc giãn cách xã hội, Việt Nam đã tìm cách tiếp cận người tiêu dùng thông qua internet. 
Một nhà quản lý quỹ Mỹ cho biết: “Chúng ta đang ở điểm uốn này và quan điểm của chúng tôi là nó sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ. Mức độ thâm nhập của điện thoại thông minh cao, nên từ người tiêu dùng đến những thương gia cũng đang tham gia trực tuyến".
Là nhà phân phối thẻ nạp điện thoại di động. Momo đã nhìn thấy cơ hội để tận dụng sự phổ ngày càng tăng của điện thoại di động. Vấn đề hiện nay của MoMo là thành công của ứng dụng đã giúp thu hút một loạt đối thủ cạnh tranh đáng gờm vào thị trường. Các đối thủ lớn nhất bao gồm VNG do Tencent Holdings hậu thuẫn, đang mở rộng dịch vụ thanh toán ZaloPay. 
“Lợi thế cạnh tranh rất lớn” của ZaloPay là liên kết với Zalo, ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất của đất nước” - ông Huy Phạm, điều phối viên tại FinTech-Crypto Hub của Đại học RMIT Việt Nam, cho biết. 
Trong khi đó, Grab đã hợp tác với Moca, một công ty thanh toán di động địa phương và biến nó trở thành lựa chọn thanh toán chính cho các dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn của mình. Sea, công ty trò chơi và thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore, cũng đã triển khai dịch vụ thanh toán tại Việt Nam. Sea cũng điều hành Now, một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất ở Việt Nam.
Việt Nam - Chiến trường fintech Đông Nam Á ảnh 1 Một siêu thị ở TPHCM thanh toán bằng ví MoMo.
Những thách thức
MoMo tin rằng họ có thể đánh bại sự cạnh tranh bằng cách chú trọng thâm nhập các chuỗi cà phê và cửa hàng tiện lợi, bởi người tiêu dùng trẻ tuổi sử dụng chúng thường xuyên hơn so với mua sắm trực tuyến hoặc gọi xe. Tuy nhiên, thách thức là khiến người dùng tiếp tục sử dụng một ứng dụng mà không có chiết khấu. 
Ông Huy Phạm đã hỏi 40 sinh viên của mình trong một lớp học fintech liệu họ có tiếp tục sử dụng ví điện tử không được giảm giá hay không, tất cả đều nói không. 
“Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao chúng tồn tại. Chúng tồn tại bởi 1 năm trước đây hệ thống ngân hàng di động chưa phát triển tốt. Nhưng giờ đây, các ngân hàng cung cấp hầu hết dịch vụ tương tự như ví điện tử, do đó sẽ phải tìm cách khác biệt hóa chính mình” - ông Huy Phạm nói.
Thêm vào mối đe dọa là chương trình thí điểm viễn thông bắt đầu vào năm 2021 cho phép người dân thêm tiền vào điện thoại của họ, sau đó mua hàng mà không cần tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng rủi ro tiềm ẩn lớn đối với toàn bộ lĩnh vực này là hệ thống các quy định. Các công ty khởi nghiệp fintech đã phát triển một phần nhờ vào môi trường pháp lý thuận lợi. 
Ngân hàng Nhà nước cho biết có 34 ví điện tử ở Việt Nam, dù chỉ có 5 ví có mức độ thu hút đáng kể. Nhưng việc nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ các công ty fintech đối với hệ thống tài chính đã khiến một số quốc gia tăng cường giám sát. Cơ quan quản lý Trung Quốc đã thẳng tay dẹp Ant Group của Jack Ma. Tại Indonesia, ngân hàng trung ương tạm thời ngừng cấp giấy phép ví điện tử mới.
Rào cản khác đến từ các quy định của Việt Nam là việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Các công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài cần có sự chấp thuận của cơ quan quản lý chứng khoán Việt Nam, trong khi thị trường chứng khoán trong nước có quy mô nhỏ và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. 
Năm 2017, VNG đã ký biên bản ghi nhớ với sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ để tiến hành niêm yết tại đây, nhưng từ đó đến nay không cung cấp thông tin gì thêm. Các nhà đầu tư cho rằng VNLife có thể là một trong những ví điện tử đầu tiên được niêm yết, với MoMo theo sau, nhưng con đường vẫn chưa rõ ràng. Cả 2 công ty đều cho biết họ không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong tương lai gần.

Các tin khác