Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế học ASEAN Edward Teather, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS.
Theo chuyên gia trên, mặc dù Việt Nam đang hứng chịu một số thiệt hại từ tác động của dịch COVID-19, song triển vọng của quốc gia Đông Nam Á này được đánh giá là sáng sủa nhất trong khu vực.
Cụ thể, doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp đều đã tăng trong tháng 6/2020 - đây là điểm tích cực hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực.
Bên cạnh đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý 2/2020 ước tính vẫn tăng trưởng nhẹ, khoảng 0,36% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi GDP của nhiều nền kinh tế khác sụt giảm nghiêm trọng trong quý này.
Ngoài ra, Việt Nam còn có ưu thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty đa quốc gia, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Chuyên gia Teather cho rằng việc Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 đã nâng tầm vị thế. Việt Nam tận dụng lợi thế đó để nhanh chóng mở cửa phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục thực hiện cải cách, lấp đầy những lỗ hổng, hạn chế, nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Chuyên gia Teather dự báo đầu tư vào Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong năm 2021 khi các nước nới lỏng hạn chế qua biên giới, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.
Trong khi đó, trang báo điện tử chuyên về tài chính và kinh doanh Business Insider, thuộc sở hữu của tập đoàn xuất bản Axel Springer lớn nhất của Đức, dẫn những phân tích cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn nhờ phản ứng sớm với dịch COVID-19.
Theo Business Insider, ngày càng có nhiều bằng chứng dưới dạng các chỉ số kinh tế cho thấy các quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội nhanh nhất và quyết liệt nhất khi bắt đầu đại dịch đang phục hồi kinh tế nhanh nhất.
Đức và Việt Nam là hai nền kinh tế thực hiện lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu và nền kinh tế hai nước đang cho thấy sự hồi nhanh chóng hình chữ V, trong khi Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn đang phải vật lộn với tác động từ COVID-19 và kinh tế chứng kiến những cải thiện chậm chạp hình chữ L.
Phục hồi kinh tế hình chữ V là sự tăng mạnh trở lại tới mức đỉnh trước suy thoái, trong khi hình chữ L cho thấy sự sụt giảm mạnh với thời gian để phục hồi kéo dài.
Nhận định về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Viện nghiên cứu Nikkei BP ngày 9/7 đăng bài viết cho rằng Nhật Bản có rất nhiều điều phải học hỏi Việt Nam trong công tác phòng dịch.
Theo bài viết, với dân số 96 triệu người mà số người mắc COVID-19 chỉ có 369 người và không có người tử vong, Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với những chính sách phòng dịch. Khéo léo ứng dụng công nghệ là một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công của quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam đã phát triển một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể dự báo khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dựa trên việc nhập dữ liệu về lịch sử sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng hay địa điểm nơi mình đến. Với sự đơn giản tiện dụng, phần mềm này đã được rất nhiều người Việt Nam đón nhận.
Bên cạnh đó, Việt Nam phân chia cấp độ nguy cơ nhiễm bệnh theo 6 cấp độ, từ F0 đến F5. F0 là người phát bệnh và được cách ly tại bệnh viện. Những người tiếp xúc nhiều với F0 là F1 và phải cách ly tại những địa điểm được chỉ định. F2 là những người có tiếp xúc với F1 cũng phải tự cách ly tại nhà. Cứ như vậy, mức độ xuống dần tới F5 với những biện pháp đối phó cụ thể theo từng mức độ.
Khi một người phát bệnh, giới chức sẽ lần ra những người từng tiếp xúc với người bệnh và tính toán khả năng nhiễm bệnh của người đó bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ việc nhiều người sử dụng phần mềm chẩn đoán khả năng nhiễm bệnh nói trên, các biện pháp phòng chống dịch trở nên thuận lợi hơn.
Việt Nam đã ứng dụng công nghệ số vào việc loại bỏ các thông tin gây nhiễu. Ví dụ, Việt Nam có phần mềm chatbot (chat tự động). Khi người sử dụng đặt câu hỏi liên quan đến COVID-19, phần mềm sẽ tự động trả lời những vấn đề đơn giản. Bằng việc này, mỗi người dân được nâng cao ý thức tự cảnh giác và nắm bắt được các biện pháp phòng chống.
Việt Nam cũng quy định những người từ nước ngoài trở về phải có nghĩa vụ thông báo, trong trường hợp có người nhiễm bệnh sẽ áp dụng biện pháp cách ly triệt để. Bên cạnh đó, đằng sau thành công trong phòng chống dịch của Việt Nam là việc ứng dụng kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam đã đặt hàng các doanh nghiệp IT phát triển các phần mềm ứng dụng để đối phó với COVID-19, nhờ đó, người dân Việt Nam nhanh chóng được sử dụng các phần mềm phòng chống COVID-19 từ rất sớm.
Viện nghiên cứu Nikkei BP kết luận rằng những lợi ích từ việc kết hợp công nghệ, khoa học kỹ thuật với sử dụng dữ liệu đã góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch thành công tại Việt Nam.