Việt Nam - Đột phá, cải cách, phá bỏ “cầu an”

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19 tái phát với diễn biến phức tạp hơn giai đoạn trước. Ngay bây giờ chúng ta phải tính đến việc phục hồi kinh tế trong nước với những chính sách đột phá, trước khi nghĩ đến những vấn đề lớn như phải tăng trưởng GDP, “dọn tổ” để đón “đại bàng” hậu Covid-19... Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết:
Đà Nẵng được xem là thủ phủ du lịch biển, nhưng Covid-19 tái phát như cú đấm bồi vào ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đà Nẵng được xem là thủ phủ du lịch biển, nhưng Covid-19 tái phát như cú đấm bồi vào ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cần thực hiện khẩn trương và hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, đồng thời kéo dài gói này sang năm 2021. Và như Thủ tướng đã nói sớm đưa ra gói kích thích kinh tế mới, đồng thời nỗ lực thúc đẩy đầu tư công.
Nhưng để làm được như vậy vẫn phụ thuộc vào cải cách và có cách làm mới trong tình huống mới. 
Đơn cử, đầu tư công được xác định là giải pháp trọng yếu để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng đầu tư công đang rất chậm và nguyên nhân ai cũng biết do quy trình, thủ tục, quy định bất cập.
Nếu không có tư duy mới cải cách mạnh mẽ quy trình thủ tục, đầu tư công sẽ tiếp tục chậm. Nếu không đổi mới, cải cách để có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm, “cầu an” vẫn sẽ là cách nhiều người chọn. 
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông dịch Covid-19 tái phát và lan ra nhiều địa phương. Đã vậy, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn trước tình hình dịch bệnh hiện nay? 
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Đúng là tác động của dịch Covid-19 có thể kéo dài, bất ổn, bất định và bất an. Kinh tế thế giới đang rơi suy thoái, nhiều dự báo cho rằng sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế mới nặng nề hơn trước.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát, đến năm 2022 kinh tế thế giới mới có thể đạt mức thu nhập cuối năm 2019. Như vậy, điều kiện bên ngoài không thuận lợi, có thể có nhiều thay đổi chưa lường trước.
Ở trong nước, dịch đang có xu hướng lan rộng nhiều tỉnh, thành, khiến tình hình kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng lớn. Nếu dịch bệnh diễn biến xấu hơn, sự phục hồi của nền kinh tế chậm lại, thậm chí chững lại. 
Chúng ta đang ở trong thời gian khó khăn nhất chưa từng có và dự báo năm 2020 kinh tế suy giảm mạnh. Cụ thể, lần đầu tiên xuất khẩu giảm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm trên tất cả chỉ tiêu về số dự án mới, số vốn đăng ký và vốn thực hiện…
Tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường cũng khiến sự phục hồi của nền kinh tế vất vả và có thể kéo dài hơn. Nhưng với hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt, có các chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế đúng và hiệu quả, đến năm 2022 kinh tế nước nhà sẽ trở lại mức như trước khi dịch bệnh xảy ra. 
- Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn rất khó khăn 2010-2011. Nếu so với giai đoạn năm 2020-2021 hiện nay, ông thấy sao?
 Bây giờ không chỉ có nỗi lo các hoạt động kinh tế bị đứt gãy, chậm và chững lại do dịch bệnh, mà đang tiềm ẩn nỗi lo lớn về sự chững lại, chậm lại ở thái độ và cách tiếp cận giải quyết công việc trong điều hành phát triển kinh tế xã hội, cũng như tâm lý cầu an trong lãnh đạo nhiều đơn vị.
- Giai đoạn 2010-2011 nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu 2007-2009 - cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1929. Nếu so sánh, năm 2010 Chính phủ còn rất lạc quan và không ngờ diễn biến xấu một cách nhanh chóng, khiến bị động trong điều hành.
Thời điểm đó, kinh tế tăng trưởng cao hơn, thất nghiệp chưa phải vấn đề lớn. Tuy vậy, kinh tế vĩ mô bất ổn nghiêm trọng, hệ thống tài chính bất an, gói kích thích kinh tế nhiều tỷ USD năm 2009 là một yếu tố gây bất ổn vĩ mô.
Còn hiện nay, đến đầu năm 2020 Chính phủ cũng rất lạc quan, kỳ vọng kết thúc tốt đẹp ngoài mong đợi của cả nhiệm kỳ. Nhưng trái ngược lại, kinh tế tăng trưởng thấp chưa từng có, thất nghiệp, mất việc quy mô lớn.
Đến nay, dù kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, hệ thống tài chính vẫn an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh với quy mô lớn chưa từng có đã được đưa ra, nhưng chưa thấm vào đâu so với những thiệt hại nền kinh tế, sản xuất và kinh doanh đã hứng chịu vì dịch bệnh.
Các gói hỗ trợ này đến nay chưa có nhiều tác dụng tích cực vì thực hiện chậm, điều kiện để hưởng gói hỗ trợ phức tạp. Các chỉ đạo của Chính phủ nhiều nhưng kém hiệu lực vì thực thi các cấp. 
Bây giờ không chỉ có nỗi lo các hoạt động kinh tế bị đứt gãy, chậm và chững lại do dịch bệnh, mà đang tiềm ẩn nỗi lo lớn về sự chững lại, chậm lại ở thái độ và cách tiếp cận giải quyết công việc trong điều hành phát triển kinh tế xã hội, cũng như tâm lý cầu an trong lãnh đạo nhiều đơn vị.
Giai đoạn 2010-2011, xu hướng và tinh thần cải cách xuống mức thấp, không có định hướng rõ ràng. Có thay đổi căn bản mục tiêu và trọng tâm hành động chuyển sang khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2012 kinh tế xuống đáy và mất 3 năm, đến năm 2015 mới phục hồi lại mức tăng trưởng của năm 2010. Còn hiện nay, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh mất đà, có phần mất phương hướng.
Nhiệm vụ của Chính phủ có thể phức tạp và khó khăn hơn, đó là phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô (trong trạng thái bình thường mới, sẽ khó khăn hơn); phục hồi tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Viễn cảnh hiện nay không nhiều tươi sáng.
- Trước khi dịch bệnh đợt 2 bùng phát, Việt Nam chủ trương “dọn tổ” để đón “đại bàng” đến đầu tư hậu Covid-19. Nhưng bối cảnh hiện nay lại đang đặt ra nhiều thách thức khi dịch bệnh quay trở lại. Theo ông, yêu cầu về cải cách tới đây như thế nào?
- Nhìn lại quá trình phát triển đất nước những năm qua, chúng ta đều thấy, thời kỳ kinh tế phát triển tốt cũng là những năm cải cách mạnh mẽ. Càng trong khó khăn càng không nên “quên” cải cách bởi cải cách mạnh mẽ, hiệu quả sẽ tạo ra động lực tăng trưởng.
Yêu cầu cải cách và đổi mới mạnh mẽ theo kinh tế thị trường chắc chắn sẽ cấp bách hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tinh thần của cải cách vẫn là: thị trường, thị trường và thị trường hơn.
Trong lúc khó khăn này, càng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh; phải tiếp tục cải cách để kinh doanh an toàn hơn, tự do hơn. Không chỉ là tự do làm gì mà còn phải được tự do làm thế nào, tự do làm bao nhiêu và tự do làm cho ai. Hiện nay ta mới chỉ chú ý tự do làm gì. 
Chúng ta phải tiếp tục giảm, tháo và xóa bỏ rào cản đối với hoạt động kinh doanh (như lâu nay vẫn làm); tập trung vào cách làm luật pháp và các quy định tạo ra rào cản, hạn chế tự do kinh doanh.
Cần thay đổi tư duy, định hình được cơ chế “hậu kiểm”, tức là quản lý theo mức độ rủi ro của hàng hóa, dịch vụ và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Nếu cải cách chững lại, kinh tế phục hồi yếu ớt hơn và giai đoạn phục hồi kinh tế sẽ lâu hơn, có thể kéo dài trong các năm 2021-2025.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác