PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao tình hình thu hút dòng vốn FDI trong tháng 1 và 2 đều thấp hơn năm ngoái?
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN: - Đúng là 2 tháng đầu năm 2023 cả số dự án mới và số vốn đăng ký giảm, nhưng con số giải ngân của những dự án đang thực hiện tăng. Điều này cho thấy năm 2023 dòng vốn FDI có những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen và sẽ không có đột biến.
Nguyên nhân đầu tiên là xu thế FDI toàn cầu đầu tư trở về chính quốc, dù đã diễn ra mấy năm gần đây đến nay đã rõ hơn. Thứ hai, chính phủ nhiều quốc gia đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư trong nước, hạn chế mang vốn đi đầu tư ở nước ngoài. Thứ ba, địa chính trị thế giới có những bất ổn, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, quan hệ vùng cận Đông giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, Triều Tiên…
Bên cạnh đó, các nước phát triển, các nước công nghệ cao đã gia tăng nhiều rào cản để ngăn, hạn chế xuất khẩu công nghệ.
Với Việt Nam, dòng vốn FDI trong năm 2023 còn bị tác động bởi Ấn Độ, Indonesia. Ấn Độ là nền kinh tế lớn, có công nghệ tốt và đội ngũ nhân lực phục vụ công nghệ tốt hơn Việt Nam, môi trường đầu tư được cải thiện rất mạnh mẽ.
Còn Indonesia là nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, nhưng hơn về quy mô, lại chuyển đổi rất nhanh và có sự nhanh nhạy của Chính phủ. Họ đã nổi lên dẫn đầu ASEAN về thu hút FDI.
Bên cạnh đó, việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu có tác động tích cực, nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thu hút FDI ở Việt Nam.
- Gần đây có thông tin không chính thống nói Samsung đã chuyển sản xuất điện thoại thông minh cao cấp Galaxy S23 từ Việt Nam sang Ấn Độ. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng mạnh mẽ, chúng ta có nên dè chừng liệu có sự dịch chuyển?
- Tôi không có thông tin chính thức nào về việc Samsung chuyển phần sản xuất nào đó khỏi Việt Nam. Còn Samsung đã đầu tư vào Ấn Độ là kế hoạch từ lâu của họ. Theo tôi biết, Việt Nam vẫn là cứ điểm sản xuất của tập đoàn này, và họ vẫn đang có lợi với những dự án đầu tư ở Việt Nam.
Tại cuộc gặp khi còn là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12-2022, ông Han Jong-Hee, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics, cho biết Samsung đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Samsung có mục tiêu rất rõ ràng và sẽ thực hiện hiệu quả các dự án tại Việt Nam. Hiện tập đoàn đang đầu tư hiệu quả tại Việt Nam với số vốn lên tới 18 tỷ USD.
Ngày 10-1, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, về việc tiếp tục đầu tư mở rộng, phát triển tại Việt Nam, ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc Samsung Electronics, cũng khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và là cứ điểm sản xuất lớn nhất trên toàn cầu của Samsung. Ông tin tưởng các công ty con của Samsung và các DN toàn cầu khác sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mục đích của đầu tư là lợi nhuận. Khi ở nơi khác lợi nhuận cao hơn, khả năng dịch chuyển có thể xảy ra cũng không phải là điều ngạc nhiên. Không chỉ Việt Nam, với các quốc gia cạnh tranh bằng thuế, khi hết ưu đãi có thể họ sẽ xét chuyện ở lại hay dịch chuyển trên cân bằng lợi nhuận. Vì thế Việt Nam cần phải có chính sách phù hợp để giữ đầu tư ở lại.
- Như ông nói việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động trực tiếp tới nhiều DN FDI tại Việt Nam, cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, vậy chúng ta phải giữ NĐT bằng cách nào, thưa ông?
- Khi chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, những công ty FDI có doanh thu từ 750 triệu USD trở lên sẽ phải đóng thuế thu nhập ở mức 15%. Nếu những DN này đang đóng thuế dưới mức 15% sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước cư trú, nơi công ty có trụ sở chính.
Ở Việt Nam các DN FDI đang nộp thuế thu nhập khoảng 12,3%, thấp hơn so với mức thuế chung 20%. Thậm chí nhiều DN FDI được ưu đãi thuế nên chỉ nộp 2,75-7%. Như vậy, khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều công ty sẽ mất đi khoản lợi nhuận rất lớn. Sức hút đầu tư bằng ưu đãi thuế không còn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam số công ty đầu tư từ 750 triệu USD không nhiều. Đó là cơ hội để Việt Nam phải thay đổi, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là giúp tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia.
Thực tế, Chính phủ đã tiên liệu trước những ảnh hưởng khi áp dụng thuế này. Tháng 8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Đến tháng 2 năm nay, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Nhiều đề xuất giải pháp đã được nêu lên và đang được bàn thảo.
Áp dụng thuế này, sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn và cạnh tranh trên mặt bằng thực sự, không phải là cạnh tranh bằng thuế, và đặt Việt Nam vào môi trường minh bạch và bình đẳng hơn, đồng thời cũng khiến Việt Nam phải cải cách môi trường kinh doanh tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Mục đích của đầu tư là lợi nhuận. Khi ở nơi khác lợi nhuận cao hơn, khả năng dịch chuyển có thể xảy ra cũng không phải là điều ngạc nhiên. Vì thế Việt Nam cần phải có chính sách phù hợp để giữ đầu tư ở lại.