Hội nghị về dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản Việt Nam chiều 27-10
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây là một trong hai quy hoạch cần sớm hoàn thiện để Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét, cùng với “Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm hướng tới xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững và đúng hướng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để tăng cường bảo vệ, bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản một cách hiệu quả và bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, cần tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định về khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi gắn với phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đến nay, cả nước đã quy hoạch và đưa 12 trong 16 khu bảo tồn biển vào hoạt động, nhưng mới đạt 0,185% diện tích vùng biển; ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác có thời hạn…
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế thủy sản - đơn vị tư vấn chính cho dự thảo quy hoạch này, cho biết, đây là một trong 4 quy hoạch của Bộ NN-PTNT để thực hiện Luật Thủy sản 2017. Do nguồn lợi khai thác có xu hướng giảm dần nên giai đoạn tới sẽ đặt trọng tâm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững, từng bước hội nhập quốc tế, đặc biệt là tuân thủ IUU để tổ chức khai thác đúng hướng theo nguồn lợi thủy sản sẵn có.
Đề cập tới các giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Trước tiên là sẽ giảm dần các tàu khai thác ven bờ. Thứ hai là các nghề gây nguy hại và bị cấm như nghề lưới kéo cũng phải giảm dần”. Đồng thời, cần rà soát kỹ để phù hợp với nguồn lợi thủy sản của từng vùng miền, của các ngư trường chứ không theo đề nghị của địa phương vì địa phương nào cũng muốn mình có đội tàu nhiều.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện cả nước có 94.572 tàu cá. Trong đó làm nghề lưới kéo chiếm 18,1%; làm nghề lưới vây chiếm 7,6%; nghề lưới rê chiếm 35,5%; nghề câu chiếm 17%...
Trong số đó, mới có hơn 71.000 tàu cá đã đăng ký và hơn 53.000 tàu được cấp phép hoạt động. Những tàu chưa được cấp phép chủ yếu là tàu dài dưới 6m do cấp xã quản lý. "Về nguyên tắc thì không tàu nào được phép ra khơi nếu không được cấp phép", ông Hùng nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, khai thác phải song hành với bảo tồn nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trả lời báo giới về chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và các giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của châu Âu. Ảnh: VĂN PHÚC
Dự thảo hướng đến mục tiêu Việt Nam có nghề cá bền vững và trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; có hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.