Nền kinh tế đã có sự khởi đầu được đánh giá rất hanh thông trong giai đoạn đầu năm mới: sản xuất, xuất khẩu hồi phục với mức tăng trưởng ấn tượng tới 42% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp cũng tăng tới 19,3% sau những tháng tăng trưởng âm năm 2023... Với khởi đầu này, khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay, được đánh giá là rất khả thi.
Ngay đầu năm, nhiều doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến tận tháng 6. Hoạt động sản xuất nhộn nhịp hơn. Người lao động cũng bắt đầu làm tăng ca, thay vì chỉ làm cách ngày như năm 2023. Sản xuất hồi phục, xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Trong đó, vai trò dẫn dắt thuộc về mảng xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử với mức tăng tới 33% so với cùng kỳ.
Ông Brook Taylor - Tổng Giám đốc - Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital nhận định: "Chúng tôi nhận thấy có sự tăng trưởng mạnh về đơn hàng xuất khẩu. Các nhà mua hàng trên thị trường quốc tế đang đặt mua nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam, đặc biệt là bắt đầu từ các mặt hàng điện tử rồi lan tỏa sang nhiều mặt hàng khác. Các lĩnh vực khác như dệt may, da giày đơn hàng cũng quay trở lại, dù chưa quá nhiều. Sự hồi phục xuất khẩu, theo tôi, là những tín hiệu rất tích cực".
Một số định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam như HSBC, VinaCapital hay UOB nhận định: số lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới, đặc biệt là từ thị trường Mỹ với động thái giảm lãi suất của FED và sự hồi phục kinh tế Trung Quốc.
Sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trên diện rộng năm 2024 sẽ có sự góp sức của cả sản xuất, xuất khẩu và đặc biệt là tiêu dùng nội địa.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB chia sẻ: "Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tích cực hơn rất nhiều. Bên cạnh những tác động từ bên ngoài như cầu hàng hóa tăng, xét về trong nước, đã có rất nhiều giải pháp được triển khai. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục có các giải pháp để hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong nước, làm tăng sức cầu cũng như tiêu dùng nội địa".
Đáng chú ý, lượng vốn FDI vào Việt Nam ở mức cao kỷ lục trong năm 2023, lên tới 23,2 tỷ USD. Dòng vốn FDI mạnh mẽ này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam như một điểm đến đầu tư dài hạn. Sự gia tăng dòng vốn FDI cũng sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
"Việt Nam tiếp tục là ngôi sao sáng thu hút FDI trong số các nền kinh tế ở Đông Nam Á. Năm 2022, Việt Nam ở vị trí thứ 2 sau Indonesia về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2023, dù là một năm đầy thách thức với kinh tế toàn cầu nhưng lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt kỷ lục mới. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, về dài hạn, triển vọng kinh tế Việt Nam rất tích cực. Do đó, tôi tin rằng lượng FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024" - ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB nêu ý kiến.
Thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn đến chủ yếu từ bên ngoài như khả năng FED sẽ giảm lãi suất chậm hơn dự kiến, mặt bằng lãi suất của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hoá hay những bất ổn về chính trị trên thế giới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng kích cầu nội địa sẽ giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trước biến động.