Theo thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giai đoạn 2010-2023, Việt Nam có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 644.000-737.000ha, xuất khẩu tôm đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc Hàn Quốc...
Những con số này đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Mặc dù vậy, để có thể giữ vững vị trí này trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành tôm Việt Nam đang đối diện với một số khó khăn nhất định vẫn còn tồn tại từ nhiều năm trước.
Cụ thể đó là số hộ nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ còn thấp, mới chỉ chiếm 18,9% tổng diện tích thả nuôi; Nguồn giống chưa chủ động mà phụ thuộc vào nguồn tự nhiên... Cùng đó việc liên kết trong chuỗi sản xuất tôm còn lỏng lẻo dẫn đến giá thành sản xuất cao khiến năng lực cạnh tranh thấp.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, để khắc phục những tồn đọng nêu trên và phát triển ngành tôm Việt Nam theo hướng bền vững, việc trước tiên là cần có sự quản lý nhà nước về con giống. Đảm bảo con giống được sạch bệnh, quan tâm xử lý môi trường nước, tuân thủ các quy định về kiểm soát chất lượng thức ăn, được kiểm soát về giá...
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất nhằm giảm diện tích nuôi nhỏ lẻ; tăng cường ứng dụng các quy trình kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao được tính cạnh tranh sản phẩm tôm Việt Nam với các nước.