Vinamilk sẽ phải vượt qua nhiều yếu tố bất định

(ĐTTCO) - Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào đang là yếu tố tích cực tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM), song ở chiều ngược lại nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa, giá nguyên liệu… vẫn đang là yếu tố gây khó cho VNM.

Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, ảnh hưởng giá nguyên liệu là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của VNM.
Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, ảnh hưởng giá nguyên liệu là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng của VNM.

Kết thúc quý III, VNM đạt doanh thu thuần 15.636 tỷ đồng, giảm 2,8% do ảnh hưởng từ tiêu thụ ngành sữa suy giảm, nhưng biên lợi nhuận gộp đạt 41,9%, tăng 2,4 điểm phần trăm do giá bột sữa giảm mạnh và tiếp tục neo ở mức thấp.

Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của VNM đạt 2.533 tỷ đồng, tăng 9,1%. Đây là con số tích cực nhất của VNM tính từ quý III-2021 đến nay.

Trước đó, VNM lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn, khi chịu cùng lúc 2 tác động là sức tiêu thụ giảm và giá nguyên liệu đầu vào là sữa bột đạt đỉnh trong quý II-2022 (tăng 23% so với đầu năm). Cụ thể, theo báo cáo tài chính 2022, doanh thu thuần giảm 1,6% (đạt 60.075 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 19,3% (đạt 8.578 tỷ đồng).

Theo phân tích, các yếu tố dẫn đến tình trạng này là do VNM sắp xếp lại hệ thống phân phối; sản lượng tiêu thụ giảm do tăng giá bán; cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực lạm phát tác động lên cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là việc giá nguyên liệu sữa tăng từ cuối năm 2021, khiến lợi nhuận lao dốc dù doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm hàng loạt chi phí như bán hàng, quản lý hay quảng cáo.

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2023 tổ chức hồi tháng 4, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc thừa nhận, trong quá trình 47 năm hoạt động nhưng chưa bao giờ thấy giá cả nguyên vật liệu tăng cao trong năm 2022, từ 37-50% do xung đột, lạm phát… đã tác động tiêu cực lên lợi nhuận.

Từ đầu năm 2023 giá nguyên vật liệu đã đi xuống nhanh và tác động tích cực lên lợi nhuận, nhưng bà Liên thừa nhận giá nguyên liệu đầu vào biến động rất nhanh và khó lường.

Thực tế, giá nguyên liệu đầu vào đã giảm mạnh từ nửa cuối 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp năm 2022 của VNM vẫn giảm 3,7 điểm phần trăm, do doanh nghiệp vẫn còn hàng tồn kho nguyên liệu giá cao. Việc hàng tồn kho giá cao phần nào cho thấy lãnh đạo VNM đã thất bại trong việc dự báo giá. Đây cũng chính là nguyên nhân VNM chỉ chốt giá mua nguyên vật liệu đến tháng 8-2023, thay vì tranh thủ mua vào khi giá thấp.

Như vậy, ngoài mối lo về thị phần thì sự biến động khôn lường của giá đầu vào theo như chia sẻ của bà Liên, chính là lý do HĐQT của VNM lên kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 khá thận trọng. Cụ thể, doanh thu ước đạt 63.380 tỷ đồng (tăng 5,5%, so với thực hiện năm 2022), và 8.622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 0,5% so với thực hiện năm 2022).

Tháng 7 vừa qua, VNM công bố thương hiệu nhận diện mới thể hiện tính cách "táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình”, với thông điệp được VNM gửi đến người tiêu dùng là “chúng tôi thay đổi vì bạn”.

Theo bà Liên, thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa trải nghiệm cho người dùng, tạo đà bứt phá trong tương lai, từ đó gia tăng giá trị thương hiệu, kết nối tốt hơn với nhóm khách hàng trẻ và tạo ra nhận định mới về một VNM có chất lượng và giá trị đẳng cấp quốc tế dành cho người Việt. Sau khi ra mắt nhận diện thương hiệu mới, VNM sẽ tiến hành hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị... với mục tiêu tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Theo VNM, bộ nhận diện mới được doanh nghiệp hợp tác cùng đội ngũ hơn 55 chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để xây dựng.

Tuy nhiên, bộ nhận diện thương hiệu mới của VNM đã tạo nên làn sóng phản ứng trái chiều trên truyền thông, mạng xã hội ngay khi vừa ra mắt. Cụ thể, nhiều người cho rằng VNM bỏ ra số tiền lớn để mời hơn 55 chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu kém thân thiện hơn bộ nhận diện thương hiệu cũ, vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ khách hàng.

Sau khi công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, VNM công bố kết quả kinh doanh với nhiều chuyển biến tích cực mà theo nhiều người cho rằng đây là kết quả của chiến lược thay đổi thương hiệu nhận diện.

Điều đáng nói là sau khi VNM công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) đăng ký bán hơn 1 triệu cổ phần tại VNM. Lý do được SIC đưa ra là cơ cấu danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, đáng ngờ nhất là tình trạng cổ đông lớn đăng ký mua rồi thông báo không thể mua như F&N Dairy Investments PTE.LTD. Mới đây, quỹ đầu tư này thông báo không mua 20,9 triệu cổ phần VNM như đã đăng ký trước đó.

Tính từ năm 2022 đến nay, tổ chức này đã hơn chục lần đăng ký mua rồi không mua với lý do duy nhất: “Do điều kiện thị trường không thuận lợi”. Đây cũng là lý do được Platium Victory Pte. Ptd giải thích khi liên tục đăng ký mua vào số lượng 20,9 triệu cổ phần VNM, nhưng sau đó từ chối mua.

Được biết, F&N Dairy Investments PTE.LTD hiện đang nắm giữ 369,75 triệu cổ phần, tương ứng 17,69% vốn tại VNM, trong khi Platium Victory Pte. Ptd đang giữ gần 221,9 triệu cổ phần.

Theo giới phân tích, việc 2 cổ đông lớn đăng ký mua rồi không mua diễn ra nhiều lần, là hành động đăng ký mua để chờ. Nghĩa là họ đăng ký chờ khi thị trường có biến động xấu, cổ phiếu VNM giảm mạnh họ có thể chủ động mua vào nhưng không vi phạm các quy định.

Tuy nhiên, nếu nhận định này là đúng, thì động thái “treo lệnh mua” cho thấy dường như cả quỹ đầu tư này đều không có niềm tin vững chắc vào VNM.

Bộ nhận diện mới được doanh nghiệp hợp tác cùng đội ngũ hơn 55 chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để xây dựng. Tuy nhiên, bộ nhận diện thương hiệu mới của VNM đã tạo nên làn sóng phản ứng trái chiều trên truyền thông, mạng xã hội ngay khi vừa ra mắt.

Các tin khác