VN tụt 4 bậc xếp hạng thị trường tài chính

Mặc dù tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng thị trường tài chính toàn cầu (từ 46 xuống 50) nhưng dịch vụ ngân hàng của Việt Nam lại xếp thứ 30 và được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là hiệu quả.

Mặc dù tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng thị trường tài chính toàn cầu (từ 46 xuống 50) nhưng dịch vụ ngân hàng của Việt Nam lại xếp thứ 30 và được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là hiệu quả.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Phát triển tài chính toàn cầu 2011, trong đó Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Thứ hạng này tụt 4 bậc so với báo cáo 2010 do Việt Nam chỉ nhận được 2,98 điểm (trên thang điểm 7), giảm 0,05 điểm so với năm ngoái.

Vẫn nằm trong tốp 50 thị trường tài chính phát triển nhất thế giới nhưng thứ hạng của Việt Nam lại tụt 4 bậc so với 2010. Nguồn: WEF 
 Vẫn nằm trong tốp 50 thị trường tài chính phát triển nhất thế giới nhưng thứ hạng của Việt Nam
lại tụt 4 bậc so với 2010. Nguồn: WEF

Về các yếu tố vĩ mô, Việt Nam được đánh giá khá cao về mức độ ổn định chính trị (xếp thứ 48/60). Tuy nhiên, tương tự 2 quốc gia khác có điều kiện tương đồng là Indonesia và Bangladesh, sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam đang vấp phải rào cản lớn về môi trường kinh doanh cũng như thể chế kinh tế chậm thay đổi. Chỉ số về môi trường kinh doanh và ổn định tài chính, do đó đều đứng ở vị trí thứ 53 trên 60 nền kinh tế.

Bất chấp những vấn đề nảy sinh gần đây về thanh khoản cũng như nợ xấu, dịch vụ ngân hàng của Việt Nam được đánh giá khá cao khi xếp ở ngưỡng trung bình (30). Theo số liệu của WEF, hệ thống này hoạt động khá hiệu quả và tính đến 2009, đã cung cấp khoảng 73 tỷ USD tín dụng cho nền kinh tế, chiếm hơn một nửa giá trị các tài sản tài chính.

Bất chấp khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua (cũng xếp ở vị trị 30/60), chất lượng dịch vụ ngoài ngân hàng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam bị đánh giá thấp khi chỉ xếp thứ 48 và 49 trong số các nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bị trừ điểm mạnh bởi chất lượng quản trị doanh nghiệp. Theo số liệu của của WEF từ 2008 đến nay, đa số các nước đều mất điểm ở hạng mục này (chỉ có 8/60 nền kinh tế tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là Ảrập Xêút được cộng 0,78 điểm). Mức sụt giảm của Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình (0,34 điểm so với nước giảm mạnh nhất là Hàn Quốc mất 1,12 điểm) nhưng phần lớn số điểm này (0,29 điểm) bị mất trong vòng một năm qua.

Tính chung trên bảng xếp hạng Hồng Công (Trung Quốc) là nền kinh tế phát triển nhất thế giới trong năm 2011 với điểm số 5,16/7. Trong tốp 5 còn có Hoa Kỳ, Anh, Singapore và Australia. Ngoài Hồng Công, Singapore và Việt Nam, châu Á còn có 12 đại diện khác lọt vào bảng xếp hạng năm nay là Nhật Bản (8), Malaysia (16), Hàn Quốc (18), Trung Quốc (19), Thái Lan (35), Ấn Độ (36), Philippines (44), Kazakhstan (46), Indonesia (51), Pakistan (55) và Bangladesh (56).

Các tin khác