Với cơ chế hiện nay, điện vẫn thiếu và EVN vẫn lỗ nặng

(ĐTTCO) - Một trong những tập đoàn kinh tế mạnh là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ 26.235 tỷ đồng trong năm 2022, đang làm nóng dư luận lẫn nghị trường Quốc hội.
EVN báo lỗ 26.235 tỷ đồng trong năm 2022, đang làm nóng dư luận lẫn nghị trường Quốc hội.
EVN báo lỗ 26.235 tỷ đồng trong năm 2022, đang làm nóng dư luận lẫn nghị trường Quốc hội.

Trước sự chất vấn của đại biểu Quốc hội lẫn áp lực từ dư luận, đại diện ngành điện đã giải thích việc làm ăn thua lỗ. Song giới chuyên gia cho rằng vấn đề của EVN cần nhìn rộng hơn, không chỉ dừng lại ở khoản lỗ nói trên. Bởi với cơ chế quản lý và vận hành hiện nay, con số thua lỗ này của EVN trong những năm tới sẽ không dừng lại.

Vẫn liên tục báo lỗ

Nhận xét về con số 26.000 tỷ đồng thua lỗ trong năm 2022 của EVN, một chuyên gia kinh tế cho rằng đây vẫn là “điệp khúc cũ” về thua lỗ của ngành điện. Điểm khác duy nhất ở đây là 5-6 năm trở về trước, EVN liên tục (kêu) lỗ do đầu tư ngoài ngành dẫn đến rủi ro mất vốn, giờ đây dù đã thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung vào kinh doanh lĩnh vực điện, EVN vẫn lỗ.

Còn nhớ, trong giai đoạn hơn chục năm về trước, có thời điểm công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ gần 77.000 tỷ đồng, tức vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng. Việc này không chỉ vi phạm quy định của Bộ Tài chính, mà điều đáng nói với số vốn đầu tư ra ngoài khổng lồ này EVN đã không thu được đồng lãi nào, mà lỗ đến 2.195 tỷ đồng. Để bù số lỗ này, EVN “gán” vào người tiêu dùng bằng giải pháp… tăng giá bán điện.

Với lợi thế nắm trong tay năng lực thủy điện rất lớn, hầu như không bị tác động bởi việc tăng giá than, khí và dầu, vẫn thua lỗ. Vì thế, hàng loạt câu hỏi cần phải làm rõ đối với EVN.

Trước việc làm ăn bết bát trên, Chính phủ đã yêu cầu EVN phải gấp rút thực hiện việc thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực ngoài ngành. Nhưng cũng phải đến năm 2020, EVN mới thoái vốn hoàn toàn khỏi đầu tư ngoài ngành, với việc bán 2,65 triệu cổ phần ở Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) để thu về hơn 46 tỷ đồng.

Câu chuyện “thua lỗ” của EVN ngỡ như chấm dứt, khi đơn vị này tập trung đầu tư kinh doanh lĩnh vực điện. Vì thế, việc báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, cho rằng “dây lỗ” của EVN vẫn chưa dứt, vẫn kéo dài triền miên.

EVN nói gì về khoản lỗ?

Trong công văn trả lời đại biểu Quốc hội (chất vấn) và thông tin đến báo chí, dư luận, đại diện EVN cho rằng giá bán lẻ điện bình quân bán cho khách hàng sử dụng điện theo biểu giá điện do Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh. Trong khi đó, giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm cả chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) 2.032,26 đồng/kWh.

Vì vậy, mỗi kWh bán cho khách hàng EVN lỗ 149,53 đồng/kWh, tính chung cả năm EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác liên quan tới sản xuất kinh doanh điện 10.058,36 tỷ đồng, số lỗ tổng hợp năm 2022 của EVN 26.235,78 tỷ đồng.

Theo EVN, giá thành mua điện từ các nhà máy điện bán tới khách hàng bao gồm giá thành các khâu phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ. Trong đó, giá thành phát điện chiếm tỷ trọng chủ yếu. Năm 2022, giá thành phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; truyền tải, phân phối-bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm 16,4%.

Do các thông số đầu vào khâu phát điện tăng đột biến do nhiều nguyên nhân làm giá thành phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022. Trong khi đó, các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân 859,9 đồng/kWh.

Chính vì vậy EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập, theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được nhà nước phê duyệt, với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ).

Thêm vào đó, ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện, EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao trong đầu tư lưới truyền tải, mạng lưới bán điện đến vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành để góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm.

Sự thực có như EVN giải thích?

Trong phần giải thích của đại diện EVN có chi tiết hợp lý, là chi phí phát điện tại Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành. Trong đó phần lớn là các yếu tố chi phí biến động như giá nhiên liệu tăng, chênh lệch tỷ giá hối đoái đối với các khoản vay đầu tư và nhập khẩu điện… Trong khi đó, giá bán lẻ điện đến khách hàng sử dụng điện được xây dựng căn cứ theo chi phí sản xuất, kinh doanh điện của từng khâu, hay nói cách khác giá điện được xây dựng từ các yếu tố hình thành giá, nên cũng chịu ảnh hưởng từ sự biến động trên.

Nhưng vấn đề thua lỗ của EVN “bất thường” ở chỗ, là cùng khâu phát điện nhưng các doanh nghiệp (DN) không thuộc EVN lại có kết quả kinh doanh rất khác. Căn cứ vào thông tin công bố của các DN sản xuất điện niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy hầu như không DN nào thua lỗ, dù đó là công ty nhiệt điện than và khí - những nhiên liệu có giá tăng rất mạnh.

Trong khi đó, EVN với lợi thế nắm trong tay năng lực thủy điện rất lớn, hầu như không bị tác động bởi việc tăng giá than, khí và dầu, vẫn thua lỗ. Vì thế, hàng loạt câu hỏi cần phải làm rõ đối với EVN (Xem thêm bài "Phía sau khoản lỗ của EVN..." trên trang 3).

Trao đổi với ĐTTC, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cho biết con số lỗ EVN đưa ra có nhiều điểm “đáng nghi ngờ”. Bởi lẽ, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của ngành điện cao gấp 17 lần năng suất chung của nền kinh tế. Điều cần lưu ý ở đây, là năng suất lao động được tính bằng giá trị tăng thêm chia cho số lao động.

Giá trị tăng thêm cơ bản có 2 yếu tố tạo thành là thu nhập của người lao động và lợi nhuận trước thuế. Như vậy, năng suất lao động của ngành điện gấp đến 17 lần năng suất chung của nền kinh tế, là do giá trị tăng thêm của ngành điện quá cao. Điều này cho thấy điện “không thực sự lỗ”, hoặc lỗ là do “thu nhập của những người quản lý ngành điện quá cao”.

“DNNN trong đó có EVN được lập ra với mục đích để làm lợi cho Nhà nước, cho nhân dân. Vốn của các DNNN này là vốn của nhân dân, nhưng khi quản lý yếu kém hoặc vì lý do gì khác gây ra tình trạng thua lỗ, nhân dân lại phải chịu qua việc tăng giá bán điện. Như vậy là quá bất hợp lý. EVN cần phải có một cuộc “đại phẫu” để thay đổi về cơ chế quản lý lẫn cách vận hành” - TS. Bùi Trinh đề nghị.

Các tin khác