Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết đề án đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỷ đồng giai đoạn 2018-2030. Phần vốn trong nước cho phát triển đặc khu này chiếm 50%, vốn nước ngoài 50%. Tổng mức đầu tư để phát triển 4 vùng động lực đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) giai đoạn 2019-2025 lên tới 400.000 tỷ đồng.
Trong đó, phân kỳ đầu tư đến 2025 sẽ cần nguồn vốn ngân sách lên tới 45.000 tỷ đồng. Đặc biệt, để đưa đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế sầm uất, ước tính tổng vốn đầu tư lên tới hơn 40 tỷ USD, tương đương 900.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, nước ngoài khoảng 41%.
Như vậy, 3 đặc khu cần có nguồn vốn đầu tư khá lớn để phát triển hạ tầng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển đô thị, không gian vùng. Điều này khiến nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả đầu tư cũng như nguồn thu sẽ sụt giảm khi áp dụng các chính sách ưu đãi.
Điểm chung của 3 đề án phát triển đặc khu là các tỉnh đồng loạt đề nghị giữ lại phần thu ngân sách tại đặc khu, cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại có thể tạo ra gánh nặng rất lớn cho nền kinh tế, bởi lợi ích đặc khu mang lại liệu có lớn hơn chi phí bỏ ra hay không nên cần cân nhắc.
Nếu cả 3 địa phương đều xin giữ lại thêm nguồn thu trên địa bàn để làm đặc khu, ngân sách nhà nước sẽ đối mặt với nguy cơ hụt thu nghiêm trọng. Ở một khía cạnh khác, chưa tính đến hiệu quả đầu tư, việc làm thế nào để huy động được số vốn khổng lồ như vậy cũng không hề đơn giản.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc các tỉnh đề xuất Trung ương cho giữ lại nguồn thu và tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng đặc khu là cần thiết, bởi đã là đặc khu phải có chính sách vượt trội hơn các nơi. Ưu đãi bình thường sẽ không hiện thực hóa được mục tiêu tạo đặc khu. Vì vậy, không nên vì lo ngại thất thu ngân sách mà bác yêu cầu của các tỉnh. Chúng ta cũng không vội lo lắng về việc sụt giảm nguồn thu trong giai đoạn đầu vì các chính sách ưu đãi hay đầu tư lớn.
Khi tạo ra được sức hút cho các đặc khu, số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều với doanh thu cao, từ đó nguồn thu từ các loại thuế, phí sẽ gia tăng. Đó là chưa kể việc phát triển được kinh tế vùng, gia tăng thu nhập của người dân. Còn ngược lại nếu các chính sách không đủ hấp dẫn, nhà đầu tư không vào, xây dựng đặc khu trở nên vô nghĩa.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nguồn thu cho ngân sách nhà nước sẽ gia tăng sau khi 3 đặc khu đi vào hoạt động. Thí dụ, tại Phú Quốc, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất; thu được từ các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD và mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 5.300USD vào năm 2020 và 13.000USD vào năm 2030.
Tại đặc khu Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Vân Đồn cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030.
Thu nhập bình quân đầu người tại đây cũng tăng lên 5.000USD vào năm 2020 và 12.500USD vào năm 2030. Tại Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế, phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt khoảng 4.000USD vào năm 2020 và 9.500USD vào năm 2030.
Dự thảo đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế do các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang xây dựng, sau khi được Bộ Tài chính thẩm định, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới. Vì thế, vấn đề đặt ra lúc này là để thật sự phát huy hiệu quả, luật đặc khu chỉ nên đưa ra những định hướng chung, không nên áp đặt một cơ chế cụ thể chung cho cả 3 đặc khu.
Bởi Phú Quốc sẽ khác Vân Đồn hay Bắc Vân Phong, vì mỗi nơi có một đặc điểm cụ thể riêng do điều kiện kinh tế, tự nhiên từng vùng khác nhau. Nên cho phép mỗi đặc khu quy hoạch riêng với mục tiêu thu hút được các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng hiện nay, việc xây dựng đặc khu phải chú trọng ưu tiên thể chế vượt trội, không phải chỉ chú trọng ưu tiên ưu đãi. Như thế mới kêu gọi được nhà đầu tư tốt. Còn nếu cứ theo lối xin ưu tiên, ưu đãi, chúng ta vô tình đi vào lối mòn xin-cho.
Theo đó, căn cứ vào kỳ vọng của mỗi đặc khu xem nó phát triển thế nào để có mức đầu tư và ưu tiên hợp lý. Tất nhiên, còn rất nhiều điều phải cân nhắc trước đề án xây dựng 3 đặc khu kinh tế, nhưng nếu không tính toán chính xác tính hiệu quả và cân đối tổng thể, có thể tạo ra gánh nặng với nền kinh tế.