Vốn đang được 'bơm' mạnh vào nền kinh tế?

(ĐTTCO) - Chỉ trong 9 ngày (từ ngày 20 đến 29-9), tín dụng đã tăng gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ), đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm.
Sản phẩm thép hộp mạ kẽm đóng gói thành phẩm ở Nhà máy Tôn Đông Á, KCN Đồng An 2, Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sản phẩm thép hộp mạ kẽm đóng gói thành phẩm ở Nhà máy Tôn Đông Á, KCN Đồng An 2, Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đây là chỉ dấu cho thấy vốn đã bơm mạnh vào nền kinh tế, kỳ vọng mang lại khởi sắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh quý cuối năm.

“Ùn ứ” tiền

Với những khó khăn của nền kinh tế, dù đã hết quý III, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 1/3 kế hoạch mà ngành ngân hàng đề ra năm 2023. Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân mà các ngân hàng có vốn nhà nước cũng tăng trưởng tín dụng chậm.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng. “Không chỉ tín dụng sản xuất kinh doanh trong nước mà tín dụng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm hơn 19%, riêng tín dụng bất động sản giảm mạnh, trong đó cho vay cá nhân mua bất động sản giảm tới 15%”, lãnh đạo Vietcombank thông tin.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, cho hay, đến cuối tháng 8, tín dụng của BIDV chỉ tăng 5,72% dù hạn mức cả năm đến 14%. Tại Agribank, đến ngày 31-8, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,4% so với cuối năm 2022. Lý do cơ bản được các ngân hàng phân tích là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.

Tiền gửi nhiều nhưng cho vay yếu nên để giảm “ùn ứ” tiền trong hệ thống ngân hàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về 100.000 tỷ đồng lượng tiền không lưu thông ra khỏi hệ thống ngân hàng, thông qua kênh tín phiếu. Động thái này của NHNN được các chuyên gia đánh giá là điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống.

Một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank phân tích: “Động thái hút tiền qua tín phiếu của NHNN nhằm đảm bảo các mục tiêu tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, giảm áp lực tỷ giá, không gây gián đoạn thanh khoản cho nền kinh tế và đảm bảo lãi suất thực (lãi suất cho vay) tiếp tục xu hướng giảm”.

Sản xuất quần áo thời trang tại Công ty Dệt may Nguyên Dung, quận 12, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sản xuất quần áo thời trang tại Công ty Dệt may Nguyên Dung, quận 12, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lãi vay vẫn còn cao

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo một số NHTM cho rằng, hiện lãi suất không còn là rào cản để tiếp cận tín dụng vì mặt bằng lãi suất đã giảm sâu. Tuy nhiên, nhận định này có khác so với thực tế. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, tổ công tác tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ TPHCM vừa thực hiện khảo sát hoạt động của một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM nhằm tìm hiểu kết quả thực hiện các giải pháp tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.

Kết quả cho thấy, doanh nghiệp, người dân đã tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Theo đó, lãi suất cho vay đã giảm, các khoản tín dụng ngắn hạn, lãi suất vay của doanh nghiệp ở mức phổ biến 7,5-8,5%/năm. Đây là mức lãi suất đã được duy trì nhiều năm trước thời điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xăng dầu tại TPHCM cho biết đang vay mức lãi suất 10-11%/năm, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng đang vay với lãi suất đến 13-14%/năm.

Chính vì thế, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến tín dụng 3 quý đầu năm 2023 tăng thấp là do lãi suất cho vay vẫn còn cao. Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh nhưng còn cao so với lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được nếu phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh.

“Mặc dù các NHTM đều giảm lãi suất cho vay, nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp vay được mức lãi suất 7%- 8%/năm? Do đó, cần giải pháp hạ lãi suất hữu hiệu, thực chất hơn”, ông Phạm Xuân Hòe đề xuất. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, trong bối cảnh sức hấp thụ nền kinh tế còn yếu do sức cầu giảm, giải pháp trước hết là kích cầu sức mua, giảm lãi vay. Khi đó ngân hàng mới chữa được bệnh “thừa” tiền. Nếu tiếp tục giảm lãi suất, nhiều NHTM tung gói tín dụng ưu đãi lãi suất 6-8%/năm kỳ vọng sẽ đạt được tăng trưởng tín dụng các tháng còn lại của năm 2023.

Về giải pháp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm nay, NHNN đã đề ra nhiều giải pháp lớn để mở rộng tín dụng. Thông qua đó, tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Hy vọng trong 3 tháng cuối năm, theo thông lệ tín dụng sẽ tăng nhanh do yếu tố vụ mùa. NHNN sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện tháo gỡ để doanh nghiệp vươn lên.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng trở lại

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 29-9, đã có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 9 với tổng giá trị 13.865 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,1%/năm, kỳ hạn từ 1,5 đến 8 năm.

Con số này cho thấy, thị trường TPDN đã sôi động và tăng trưởng trở lại. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận 160.253 tỷ đồng, gồm 20 đợt phát hành ra công chúng trị giá 18.289 tỷ đồng (chiếm 11,41% tổng giá trị phát hành) và 131 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 141.964 tỷ đồng (88,59%). Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 69.710 tỷ đồng, chiếm 43,5% lượng phát hành, tiếp đến là nhóm bất động sản với 55.607 tỷ đồng, chiếm 34,7%.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 177.693 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ.

Các tin khác