Vốn ngắn, vốn dài và bài toán của các nhà băng

(ĐTTCO) - Theo lộ trình, từ ngày 1-10, các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như trước đó.
Từ 1-10 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm còn 30%.
Từ 1-10 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm còn 30%.

Mục tiêu nhằm giảm gánh nặng cung ứng vốn trung và dài hạn cho các NHTM. Mặt khác, các nhà băng lại đang tích cực phát hành trái phiếu (TP) huy động vốn trung và dài hạn.

Thay đổi liên tục trong gần 30 năm

Trong gần 30 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều lần điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Cụ thể, theo Quyết định 457/2005 của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài là 40%.

Tại Thông tư 15/2009, NHNN điều chỉnh tỷ lệ này xuống 30% do tăng trưởng tín dụng cao, nhất là tín dụng vào bất động sản, gây rủi ro cho hệ thống NH. Sau đó, mong muốn tăng trưởng tín dụng cao hơn, NHNN lại cho phép tăng tỷ lệ này gấp đôi, lên mức tối đa 60% thông qua Thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD.

Đến Thông tư 06/2016, nhà điều hành yêu cầu các TCTD giảm tỷ lệ này từ 60% xuống 50% kể từ đầu năm 2017, và xuống 40% kể từ đầu năm 2018. Song nhiều nhà băng đứng trước vấn đề không đáp ứng quy định mức tối đa 40% kể từ đầu năm 2018. NHNN lại ban hành Thông tư 19/2017 điều chỉnh tỷ lệ này với mức áp dụng 45% kể từ đầu năm 2018 và 40% kể từ đầu năm 2019.

Tiếp theo, tại Thông tư 22/2019 NHNN lại điều chỉnh tỷ lệ này. Theo lộ trình đặt ra, từ tháng 1-2020 đến cuối tháng 9-2020 áp dụng tỷ lệ 40%, từ tháng 10-2020 đến cuối tháng 9-2021 giảm xuống 37%, từ tháng 10-2021 đến cuối tháng 9-2022 là 34%, từ tháng 10-2022 còn 30%. Lộ trình này sau đó được kéo thêm thời gian áp dụng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Giảm dần gánh nặng vốn trung và dài hạn của NHTM, đẩy qua thị trường trực tiếp như chứng khoán, TPDN là điều cần phải làm. Nhưng cả 2 thị trường này hiện thiếu bền vững.

Xuyên suốt quá trình đó, việc giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn gặp nhiều trắc trở, vì các NH huy động vốn ngắn hạn là chủ yếu, nhưng dư nợ trung và dài hạn lại chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này hiện vẫn đang duy trì.

Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 5, NHNN cho biết hệ thống NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống), nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung, dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VNĐ của hệ thống là trung, dài hạn). Nhưng ở thời điểm hiện tại, NHNN giữ nguyên quy định, không thay đổi lộ trình, cho thấy nhà điều hành đang cứng rắn hơn với mục tiêu giảm rủi ro cho hệ thống.

Có phải tại NHTM?

Theo thông lệ quốc tế, nguồn vốn cho nền kinh tế chia làm 2 nguồn: vốn ngắn hạn là vai trò của NH, vốn trung và dài hạn sẽ được cung cấp từ thị trường tài chính, chứng khoán. Thế nên, việc khó giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không phải là lỗi từ NH, mà vì vốn trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn đang dựa vào hệ thống NH.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán cho đến nay vẫn tập trung trên thị trường thứ cấp thay vì sơ cấp. Các doanh nghiệp (DN) chưa dựa vào đây để huy động vốn trung và dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong 2 năm 2020 và 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt chu kỳ tăng trưởng mạnh, tạo nên kỳ vọng giảm gánh nặng vốn trung, dài hạn cho hệ thống NH. Tổng giá trị huy động mới qua kênh TPDN năm 2021 đã từng đạt mức 605.900 tỷ đồng, vượt qua giá trị tăng trưởng của phần tín dụng trung và dài hạn của hệ thống NH trong cùng năm đó. Tuy nhiên, năm 2022, phát hành mới sụt giảm mạnh và trong nửa đầu năm 2023 việc mua lại TPDN trước hạn diễn ra liên tục.

Theo số liệu của Fiin Ratings, từ năm 2022 và nửa đầu năm 2023, tỷ lệ huy động nguồn vốn trung và dài hạn của kênh TPDN đã nhanh chóng giảm sút từ 60,6% của năm 2021 về mức lần lượt 31,7% và 17,1%, cho thấy vai trò của thị trường TPDN đang dần bị giảm sút và hệ thống NH lại tiếp tục gánh vác hoạt động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Tuy vậy, lần này NHNN đã cho thấy sự quyết liệt trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống, khi không thay đổi lộ trình giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đây cũng là điều hợp lý, bởi theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, NHNN đã từng trì hoãn nhiều lần việc giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tạo rủi ro cho hệ thống NHTM. Nếu tiếp tục kéo dài, khó có thể tái cơ cấu NH, lành mạnh hóa thị trường.

Vì vậy, giảm dần gánh nặng vốn trung và dài hạn của NHTM, đẩy qua thị trường trực tiếp như chứng khoán, TPDN là điều cần phải làm, trong quá trình có thể linh hoạt nhưng không thể đi lùi, để tránh việc NH “nuôi rủi ro”. Trong đó, TPDN là kênh rất quan trọng để DN tiếp cận với nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian qua thị trường này có sự cố nhưng cần sớm giải quyết để khơi thông.

Theo CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính đến tháng 7, các NH đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là 34%. Trong đó, tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các NHTMCP, cao hơn so với nhóm NHTM có vốn nhà nước (24,97%).

Dựa trên tỷ lệ này, việc phát hành TP mới liên tục được nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, các nhà băng đã chuẩn bị để đáp ứng quy định mới, đồng thời trong đó cũng có những nhà băng muốn làm dày thêm vốn trung và dài hạn để không bỏ lỡ nguồn cho vay có lãi suất hấp dẫn này.

Song ở góc độ khác, hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong thời điểm này có thể sẽ làm khó mục tiêu giảm lãi suất. Hiện việc sử dụng công cụ lãi suất đã gần đến điểm tới hạn và Việt Nam không còn nhiều dư địa để hạ thêm, vì các NHTW lớn trên thế giới tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao.

Lãi suất thực dương trong nước cũng thu hẹp vì lãi suất huy động ngắn hạn đã xấp xỉ bằng với lạm phát lõi. Đồng thời, NHNN còn phải thực hiện cam kết ổn định tỷ giá. Nay, các NH lại phải đáp ứng quy định mới này.

Trong báo cáo mới đây, KBSV đánh giá trong ngắn hạn việc hạ tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các NH, trong khi nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng.

Các tin khác