Kuwait nâng hạng, CK Việt hưởng lợi?
FTSE Russell cuối tháng 9 cho biết khả năng xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của TTCK Việt Nam sẽ lùi sang tháng 9-2021. Với phân hạng của MSCI, Việt Nam cũng không có hy vọng thay đổi, khi từ tháng 6-2020 đã không lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi”. Tuy vậy, thay đổi trong phân hạng của MSCI vào tháng 11 tới có khả năng giúp TTCK Việt Nam hưởng lợi.
Trong chỉ số MSCI Frontier Market 100, 3 thị trường có tỷ trọng lớn nhất là Kuwait 25,86%, Việt Nam 12,51% và Morocco 11,2%. Trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index, đây cũng là 3 thị trường lớn nhất: Kuwait 37,05%, Việt Nam 17,55%, Morocco 7,86%. Trong tháng 11 tới, MSCI sẽ nâng hạng Kuwait lên nhóm “mới nổi”, nghĩa là tỷ trọng của thị trường này bị bỏ trống, sẽ tạo ra thay đổi lớn cho các thị trường còn lại.
Vietnam Opportunity Fund - quỹ có quy mô 933 triệu USD đang đầu tư tại Việt Nam - đầu tháng 10 này cũng đánh giá Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất trong đợt phân loại thị trường MSCI Frontier Markets vào tháng 11. Theo đó, TTCK Việt Nam có thể tăng thêm 5-6% tỷ trọng trong rổ Frontier Markets, trở thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số này.
Tuy nhiên những cập nhật mới nhất đã có thay đổi trong kỳ đánh giá tháng 6 vừa qua, khi MSCI có thể chuyển Iceland từ “thị trường độc lập” sang “thị trường cận biên” (chung nhóm với Việt Nam). Thị trường Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị hạ cấp từ “mới nổi” xuống “cận biên”. Điều này có thể khiến thị phần của TTCK Việt Nam bị tranh giành. Ước tính mới của MSCI, trong trường hợp thị trường Kuwait được nâng hạng, tỷ trọng của thị trường Việt Nam khoảng 25% (với MSCI Frontier Markets Index) và 30% với MSCI Frontier Market 100 Index.
TTCK Việt Nam hưởng lợi ở mức độ nào sau tháng 11 tới khi việc phân hạng thị trường của MSCI diễn ra? Một ước tính cuối tháng 9 của CTCK VNDirect cho rằng, thị trường Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ ETF mô phỏng theo 2 chỉ số thị trường cận biên của MSCI. Quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào có thể còn lớn hơn, lên đến 200-210 triệu USD, nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động.
Trong phân tích mới nhất của CTCK Bảo Việt (BVSC) lại cho con số ước tính dao động nhiều hơn nếu tính thêm cả các yếu tố khác, như việc thị trường Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị hạ cấp xuống nhóm “cận biên”. Đặc biệt nguy cơ MSCI áp dụng giới hạn tỷ trọng vốn hóa 15% cho từng quốc gia trong rổ MSCI Frontier Market Index, thậm chí thị trường Việt Nam còn không được hưởng lợi mà bị thiệt hại. Tính đến cuối tháng 9-2020, cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index đã tăng lên tỷ trọng 17,55%.
Theo BVSC, ở kịch bản cơ sở là thị trường Kuwait được nâng hạng và Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ không xuống hạng, đồng thời giới hạn market-cap 15% không được áp dụng, TTCK Việt Nam có thể đón nhận 166,1 triệu USD vốn phân bổ tăng thêm từ các quỹ hiện có. Còn trong kịch bản 2 thị trường mới cạnh tranh thị phần, dù có áp dụng giới hạn 15% hay không, dòng vốn mới tăng thêm cũng không đáng kể, chỉ quanh ngưỡng 8 triệu USD.
Ở kịch bản kém nhất, là MSCI vừa hạ bậc 2 thị trường vừa áp dụng giới hạn 15%, thị trường Việt Nam thậm chí còn bị rút vốn ròng khoảng 54 triệu USD. Tuy nhiên BVSC đánh giá kịch bản rủi ro này có xác xuất xảy ra thấp, do một trong những mục tiêu của MSCI là không tạo ra áp lực gây xáo trộn thị trường, nên ít có khả năng tổ chức này sẽ đưa 2 quốc gia vào nhóm thị trường “cận biên”, cũng như thiết lập giới hạn tỷ trọng vốn hóa cho từng quốc gia trong cùng thời đểm.
Trông giờ giải pháp dài hạn
Việc thị trường Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ có thể xuống hạng và cạnh tranh trong nhóm “cận biên” với Việt Nam, dự kiến chỉ được xem xét từ tháng 5-2021. Nghĩa là thị trường Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ việc Kuwait được nâng hạng. Tuy vậy đây cũng chỉ là những thay đổi mang tính ngắn hạn.
Một thực tế là các quỹ ETF đầu tư vào TTCK Việt Nam vẫn đang hút vốn khá tốt. Chẳng hạn, quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF từ đầu tháng 6 tới giữa tháng 10 vẫn hút ròng gần 26,1 triệu USD, dù trong thời điểm dịch bệnh bùng nổ (4 tháng đầu năm) bị rút đi 40,9 triệu USD. Các quỹ ETF nội cũng hút được hàng ngàn tỷ đồng. Yếu tố bán ròng mạnh mẽ trên thị trường hiện tại đến từ các quỹ đầu tư chủ động.
Việc các quỹ ETF tăng đầu tư khi Việt Nam tăng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên, có thể dẫn tới điểm đảo chiều của dòng vốn ngoại, cân bằng hơn với hoạt động thoái vốn của các quỹ chủ động, nhưng đó chỉ là tính thời điểm. Nếu không có sự cân bằng từ các quỹ ETF tăng vốn, các giao dịch mua cổ phần lớn (thí dụ với VHM, MSN trên sàn niêm yết), mức độ rút vốn của các quỹ chủ động rất lớn.
Giải pháp dài hạn hơn là sửa đổi các quy định để TTCK Việt Nam thực sự được nâng hạng lên “mới nổi” - theo đánh giá của cả MSCI lẫn FTSE. Các hạn chế đã được xác định rõ ràng như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, xây dựng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm, yêu cầu ký quỹ 100% tiền trước khi mua (pre-funding)...
Những thay đổi này nếu làm gấp rút và kịp, các đánh giá thời điểm tháng 9 năm sau sẽ có thay đổi lớn. Đạt tiêu chuẩn “thị trường mới nổi” là đẳng cấp hoàn toàn khác, giúp CK Việt Nam mở khóa kho tiền khổng lồ của dòng vốn quốc tế, thay vì chỉ loanh quanh trông chờ sự tăng giảm thị phần trong ngắn hạn.
Việc các quỹ ETF tăng đầu tư khi Việt Nam tăng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên, có thể dẫn tới điểm đảo chiều của dòng vốn ngoại, cân bằng hơn với hoạt động thoái vốn của các quỹ chủ động, nhưng đó chỉ là tính thời điểm. |