Vốn tín dụng chệch hướng, nhà băng có vô can?

(ĐTTCO) - Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về tổng hợp kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ những hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là việc điều hành vốn tín dụng bị chệch hướng.
Vốn tín dụng chệch hướng, nhà băng có vô can?

NHTM vì lợi nhuận…

Trong báo cáo KTNN chỉ rõ, đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), qua kiểm toán tại NHNN năm 2022 cho thấy tình hình thanh khoản của hệ thống NH nhiều thời điểm còn căng thẳng, một số TCTD thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc phải vay hỗ trợ thanh khoản.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của các NH vẫn rất khó khăn do nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động; một số NHTM tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống tính đến ngày 31-12-2022 là 25,6%, không vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng. Tại thời điểm ngày 31-12-2022, ngoài những NHTM yếu kém vẫn chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn (OceanBank, GPBank, CBBank, DongABank, SCB), một số NHTM có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản.

Cơ quan KTNN cũng chỉ ra NHNN đã không đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay như đã cam kết. Cụ thể, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD. Tuy nhiên, các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15; biên độ giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Chỉ trong thời gian ngắn, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23-9 và 25-10-2022) với tổng mức tăng 2%, dẫn đến lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có tháng lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

Bên cạnh đó, nhiều NHTM thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của các NH tăng, trong đó nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với 2021.

NHNN còn chủ quan?

Đánh giá việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, KTNN chỉ rõ đến cuối tháng 6-2022 (thời điểm kết thúc chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19), các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, lũy kế hơn 722.334 tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, lũy kế hơn 92.425 tỷ đồng cho gần 562.000 khách hàng.

Đến cuối tháng 1-2023, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ toàn hệ thống các TCTD còn khoảng 87.826 tỷ đồng; dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ còn khoảng gần 10.174 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cũng như chưa kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiểm ẩn rủi ro. Điều này cho thấy vai trò định hướng thị trường của NHNN chưa thực sự hiệu quả.

Cụ thể, cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên so với năm 2021: Dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%) và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%) do ảnh hưởng của dịch Covid; các lĩnh vực ưu tiên mặc dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021, nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành (14,18%); tỷ trọng dư nợ của các ngành này so với dư nợ toàn nền kinh tế đều giảm so với 2021.

Trong khi đó, đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đạt 2.581.000 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 (cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng chung toàn ngành).

Thực trạng trên cho thấy ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có một phần từ nguyên nhân chủ quan của NHNN và các NHTM. Đó là phản ứng của NHNN còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất đột ngột.

Chức năng thanh tra giám sát của cơ quan thanh tra giám sát NHNN còn có điểm yếu kém, chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của đối tượng giám sát vi mô. Các NHTM vì mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, chưa thực sự tiết giảm chi phí cũng như chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Cơ quan KTNN kiến nghị, NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 NH mua bắt buộc và NH trong diện kiểm soát đặc biệt DongABank.

Đối với các NHTM tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát NHNN cần xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của NH, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống NH.

NHNN điều chỉnh tăng lãi suất đột ngột, trong khi các NHTM chưa chủ động hạ lãi suất cho vay, đã khiến doanh nghiệp và cả nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Các tin khác