Kết thúc 3 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 6,8%, cao hơn gấp đôi so với mức 3,1% năm trước và gấp 3 lần mức trung bình ngành là 2,28%. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.700 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tổng thu nhập hoạt động tăng 4,3%.
Nếu loại trừ đi khoản thu nhập bất thường từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền được ký kết với VPBank vào tháng 9/2017, tăng trưởng doanh thu của ngân hàng hợp nhất và ngân hàng riêng lẻ lần lượt 17,5% và 22,8%. Theo đó lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhât và riêng lẻ tăng trưởng ở mức lần lượt 1,1% và 23,7%. Các chỉ số hiệu quả như CIR và NIM của quý 1/2019 lần lượt 37,4% và 9,2%, vẫn nằm trong top các ngân hàng đứng đầu thị trường.
Kết quả trên phản ánh nỗ lực củng cố các nền tảng phát triển của ngân hàng thông qua các hoạt động mở rộng thị phần, tăng cường quản trị rủi ro và duy trì hiệu quả trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì giới hạn tăng trưởng tín dụng thấp nhằm kiểm soát lạm phát.
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng riêng lẻ là động lực chính đóng góp kết quả kinh doanh quý I. Kết thúc 3 tháng đầu năm,tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng riêng lẻ 8%, cao hơn nhiều so với mức 2,8% trong quý I/2018.
Bên cạnh đó, FE Credit cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng khá tốt so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giải ngân trong 3 tháng đầu năm của FE Credit tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy chiến lược tăng trưởng chất lượng của ngân hàng đang phát huy hiệu quả.
Một trong những thành tựu của chiến lược tăng trưởng chất lượng có thể dễ nhìn thấy nhất nằm ở nguồn thu phí. Trong quý I/2019, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hợp nhất của ngân hàng đạt 745 tỷ đồng, tăng tới 137% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 473 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng vượt bậc về lãi từ hoạt động dịch vụ chứng minh thành công bước đầu trong chiến lược tăng trưởng thu nhập phí, cùng với các kết quả về số hóa các dịch vụ ngân hàng, góp phần đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chấp thuận cho VPBank được áp dụng tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy VPBank đã hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp cao nhất được áp dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại.
Trước đó, VPBank cũng đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên được Brand Finance xếp vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Giá trị thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 354 triệu USD, tăng hơn 6 lần từ năm 2016, đứng thứ 361 trong tổng số 500 ngân hàng toàn cầu có giá trị cao nhất.
Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58.76 điểm, trong thang điểm từ 0 – 100.
Các yếu tố về sức mạnh thương hiệu và tiêu chuẩn Basel II sẽ là những lợi thế lớn cho hoạt động mở rộng kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới. Đây sẽ là những nền tảng để ngân hàng tiếp tục phát triển bền vững và mở rộng hoạt động kinh doanh trong các quý còn lại, nhằm đạt được kế hoạch kinh doanh của năm.