Sầu riêng lên ngôi
4 lợi thế của trái sầu riêng Việt xuất tươi đang thách thức vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới người Thái chiếm giữ nhiều năm qua. Đó là lợi thế gần kề của nước láng giềng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt chỉ cần 1,5-2 ngày là có thể đưa hàng tươi đến chợ Trung Quốc; thu hoạch rải vụ từ 9-10 tháng/năm và gu tiêu dùng tương đồng, sở thích ăn sầu riêng chín mềm.
Trong khi đó, người Thái có thói quen dùng sầu riêng cứng và diện tích cấp mã số vùng trồng sầu riêng mở rộng, dọn đường cho loại đặc sản Việt này đến thị trường lớn.
Cây sầu riêng đang lên ngôi, đặc biệt từ sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tháng 9 năm nay. Chỉ hơn 2 tháng, nhưng đã có khoảng 30.000 tấn sầu riêng được xuất sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; trái tươi được chọn lựa kỹ, dáng tròn, đồng đều về trọng lượng và đang độ chín già.
Giá sầu riêng sau thời gian rớt thê thảm vào năm rồi, đến nửa đầu năm nay có lúc chỉ 30.000-40.000 đồng/kg đã tăng lên 65.000-75.000 đồng/kg hiện nay, cao hơn 2, 3 lần thời gian trước. Đơn hàng các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng gấp đôi, gấp ba khiến giá sầu riêng tăng mạnh. Diện tích trồng sầu riêng đang tăng nhanh. Nhiều nông dân và doanh nghiệp chạy đua đầu tư vùng trồng và hệ thống lại quy trình canh tác để đáp ứng yêu cầu của thị trường 4,2 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, cả nước mới có gần 3.000ha được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, chỉ chiếm khoảng 3,4% tổng diện tích sầu riêng cả nước.
Để “nước mắt sầu riêng” thôi chảy ngược
Để “nước mắt sầu riêng” thôi chảy ngược
Trái sầu riêng Việt đang rộng cửa vào thị trường lớn Trung Quốc. Phấn khởi trước xu thế mới, nhiều nhà vườn ở miền Tây, miền Đông và Tây nguyên đang chặt cam, quýt, ổi, mít Thái để trồng cây sầu riêng. Năm 2010 cả nước chỉ có 17.600ha sầu riêng, đã tăng lên 71.381ha vào năm 2020 và nay đạt khoảng 90.000ha. Trong đó, hơn 50% diện tích đã cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 670.000 tấn. Chỉ riêng Tiền Giang có hơn 20.000ha sầu riêng, sản lượng khoảng 280.000 tấn, đứng đầu cả nước. Kế đến là Đắk Lắk 15.250 ha, sản lượng gần 156.400 tấn.
Ai cũng bảo, sầu riêng bán được giá, có lời, nhưng vẫn còn đó nỗi ám ảnh chưa quên của các trận nhà vườn khóc ròng “đẫm nước mắt sầu riêng” đã từng xảy ra. Giá sầu riêng trôi nổi, có năm tăng cao ngút trời, nhưng lúc lại rớt thê thảm. Còn nhớ đầu năm 2020, sầu riêng tại vườn liên tục rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ còn 15.000 đồng/kg đối với sầu hạt và 30.000 đồng/kg đối với sầu Ri6. Xuất khẩu giảm gần 90%, sầu riêng từ hàng xa xỉ thành bình dân.
Cùng số phận các loài cây như mít, thanh long, chuối, cam, bưởi, xoài, mãng cầu, sầu riêng cũng bị xoay vòng luẩn quẩn, lên hương, xuống gió, chịu cảnh trồng - chặt do bất cập sản xuất - tiêu thụ, bài toán đầu ra chưa được giải căn cơ. Đặc biệt, các dịp gần Tết những năm trước, hoặc khi Trung Quốc “chuyển trạng thái” thông quan nghiêm ngặt, sầu riêng xuất chủ yếu bằng đường tiểu ngạch gặp cảnh đụng hàng, dội chợ.
Một số cung cách kinh doanh “ăn xổi, ở thì” lâu nay thường xảy ra. Lô sầu riêng 3 tấn xuất sang Đài Loan bị trả về do trái nhiễm kim loại nặng. Tương tự, lô hàng xuất sang Côn Minh cũng bị phát hiện có "gian lận thương mại" về mã vùng trồng từ nông dân mượn vườn của nhau và nhập sầu riêng của Campuchia, dán nhãn mác, mã số vùng trồng Việt Nam.
Thỉnh thoảng lại có vài chục container sầu riêng bị trả về từ biên giới do hàng không đạt tiêu chuẩn. Nông dân, nhà thương mại cẩu thả hay chưa hiểu tiêu chuẩn cơ bản, nhất là tính an toàn nếu không đảm bảo, nông sản họ làm ra sẽ bị loại từ “vòng gửi xe”, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, thương hiệu Việt.
Không chỉ thị phần Trung Quốc, trái sầu riêng thường gặp khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Những hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao. Không thể khuyến cáo doanh nghiệp “điều tiết” nguồn cung hàng hóa ra các cửa khẩu hợp lý để tránh ùn ứ, trong khi họ thiếu công cụ hỗ trợ, thiếu các dịch vụ hậu cần logistics tích hợp đa chức năng có thể đáp ứng yêu cầu chế biến, bảo quản, trữ lạnh nông sản.
Nhìn từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Việt Nam vẫn đang thua Thái Lan bởi tính chuyên nghiệp và quy mô sản xuất. Ở những vùng chuyên canh trồng sầu riêng của Thái Lan, chất lượng, mẫu mã sầu riêng rất đẹp và hệ thống phân phối mạnh. Vài lợi thế nhất định của sầu riêng Việt trong hiện tại chưa thể xác lập đẳng cấp cao hơn so với hàng Thái.
Nghị định thư Việt Nam - Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang nước này, bên cạnh tạo ra cơ hội cũng đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch thực vật khắt khe, buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ. Tương tự, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những yêu cầu rất nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, ngưỡng hóa chất, kháng sinh sử dụng và giám sát chặt nguồn gốc xuất xứ vùng trồng. Xu hướng tiêu dùng trái cây nội địa, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối hiện nay cũng đang đặt ra yêu cầu tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh lên hàng đầu.
Không chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc, Việt Nam đang cần tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng xuất khẩu. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó. Yêu cầu chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương, nhìn từ trái sầu riêng, phải là cuộc chuyển đổi về chất.
Nếu không có biện pháp kiểm soát, liên kết và quản lý tốt vùng trồng, vận chuyển, bảo quản đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường, niềm vui sầu riêng lên ngôi dễ thành sầu chung cho nhà vườn và ngành hàng.
Sầu riêng bán được giá, có lời, nhưng vẫn còn đó nỗi ám ảnh chưa quên của các trận nhà vườn khóc ròng “đẫm nước mắt sầu riêng” đã từng xảy ra. |