Cụ thể, tổng thu đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm ngoái. Tổng cộng có 10 khoản thu vượt dự toán; 2 khoản thu không đạt dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này được các chuyên gia cho rằng là cơ sở để đặt ra những mục tiêu khả quan về thu ngân sách, trợ lực ổn định nguồn ngân sách phục hồi kinh tế 2023.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nổi bật là thu nội địa vượt 21,8%, thu từ dầu thô vượt 176%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu vượt 43,9% dự toán.
Lý giải nguyên nhân nhiều khoản thu ngân sách vượt xa dự toán Bộ Tài chính cho biết chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan với GDP tăng 8,02%; tổng mức bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều tăng.
Cùng với đó, cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận; khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm.
Bộ Tài Chính cho rằng mở cửa nền kinh tế sớm với những giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho nền kinh tế như gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng cùng với các chính sách tiền tệ khác đã tích cực thúc đẩy cho kinh doanh phát triển, góp phần thu nhân sách vượt kỳ vọng.
"Bộ Tài chính đã chỉ đạo lãnh đạo và điều hành, cân đối giữa thu chi ngân sách để lúc nào cũng đủ nguồn lực phát triển kinh tế. Thực hiện các chính sách để đảm bảo cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu một cách thuận lợi bằng các giải pháp giảm thủ tục hành chính, thông qua 1 cửa ASEAN, cũng như các giải pháp khác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp như vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thuế", ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Theo các chuyên gia, việc thu vượt dự toán ngân sách 2022 tăng thu ngân sách bù lại khoản mà nhà nước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dịch bệnh, có thêm nguồn lực để Chính phủ thực hiện chính sách tài khoá mở rộng thận trọng, hiệu quả trong năm 2023
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV nói: "Quốc hội và Chính phủ đã nhất trí năm 2023 tăng trưởng 6,5% thì tương ứng ngân sách cũng phải tăng ở mức độ tương đối tích cực, ví dự tăng khoảng 10 - 15% so với mức của năm 2022. Tất nhiên chúng ta phải có tính toán hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như thế nào".
Các chuyên gia cũng cho rằng để khoản thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể tăng trưởng trong 2023, cần cải thiện quy trình định giá doanh nghiệp cũng như nâng cao vai trò bộ chủ quản trong năm.