Trong đó, nhiều sáng kiến mang lại lợi ích lớn, giúp đơn vị tăng năng suất lao động. Đồng thời đóng góp vào chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động.
Anh Lê Chí Chung (trái, Công ty Juki) cùng đồng nghiêp tìm hiểu hoạt động của máy để đưa ra sáng kiến cải tiến. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Vì tập thể
Nhìn hơn 50 cây thước cao (phục vụ kiểm tra kích thước sản phẩm) còn mới nhưng phải bỏ vì không đảm bảo chất lượng, xót ruột, anh Lê Chí Chung, Phó Quản đốc nhà máy gia công thuộc Công ty Yuki (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM) xin giữ lại để tìm nguyên nhân. Sau hơn 1 tháng kiên nhẫn tìm hiểu, anh Chung phát hiện thanh răng của thước không khớp nên cân chỉnh lại, cân bằng giữa phần răng mòn và chưa mòn. 48/50 cây thước sau đó được phòng kiểm định đánh giá đạt chất lượng cấp 1 (nghĩa là như mới) và được sử dụng lại, giúp công ty tiết kiệm hơn 300 triệu đồng. “Mỗi cây thước giá nhập vào khoảng 7-8 triệu đồng, bỏ như vậy là quá uổng phí tài sản của công ty”, anh Chung cho biết.
Tại công ty, mỗi năm anh Chung có hàng trăm sáng kiến, cải tiến để hỗ trợ việc sản xuất. Nổi bật là năm 2020, hơn 200 sáng kiến lớn nhỏ của anh đã được ứng dụng vào thực tiễn. Vào công ty làm việc từ năm 23 tuổi, gắn bó với công ty 24 năm, anh Chung không xem công ty chỉ là nơi làm công ăn lương mà như một phần cuộc sống của mình. Bất kể ở vị trí công việc nào, thấy còn điều gì lấn cấn, anh tìm cách tháo gỡ bằng được. Trong quá trình làm việc, anh luôn tự đặt câu hỏi “Tại sao thiết bị, máy móc được trang bị mới nhưng sản phẩm cho ra lại nhiều phế phẩm?”, “Tại sao năng suất sản xuất chưa đạt so với mục tiêu?”... Anh tự hỏi rồi mày mò tìm nguyên nhân. Có những sự cố, anh đặt ra 5-7 giả thuyết rồi kiên trì tìm đáp án.
Mỗi năm, công ty nơi anh Chung làm việc đều đặt mục tiêu sản xuất, mục tiêu tăng trưởng để người lao động thi đua. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu phế phẩm phải nhỏ hơn 0,2%. Là người quản lý và là một đảng viên, anh Chung tự ý thức bản thân phải tiên phong, gương mẫu. “Nhiệm vụ của tôi là quản lý, nhưng không chỉ giám sát, yêu cầu mà bản thân tôi phải xắn tay vào để tìm hiểu nguyên nhân”, anh Chung chia sẻ.
Làm lợi hàng chục tỷ đồng
Nhận được tin trên hệ thống cảnh báo áp lực nước khu vực phường Bến Nghé (quận 1) tăng vọt, bộ phận kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) lập tức cử nhân viên đến tủ tín hiệu khu vực trên để kiểm tra. Chỉ với một thao tác kỹ thuật nhỏ, nhân viên công ty đã ổn định áp lực nước.
Trước đây, công việc này không đơn giản như vậy. Khi thực hiện, công ty phải cử 4 công nhân mang theo máy tính có cài đặt phần mềm chuyên dụng cùng xe cẩu đến tận nơi mở nắp hầm điều chỉnh van giảm áp (thường được đặt trong hầm đồng hồ tổng - PV). Nhiều lần tham gia cùng nhóm thao tác tại hiện trường, anh Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý giảm nước không doanh thu Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành, nhận thấy sự bất tiện cũng như tốn nhân công, nên lên ý tưởng cải tiến. “Công ty quản lý 53 điểm đặt van điều chỉnh áp, và thường 3-7 ngày phải điều chỉnh một lần. Làm theo cách cũ, công ty tốn một khoản chi phí và nhân công”, anh Hiếu chia sẻ.
Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh Hiếu và các cộng sự đã thành công. Từ việc áp dụng các kỹ thuật dời van giảm áp dưới hầm lên tủ trên mặt đất ở 1 điểm, công ty triển khai tại tất cả 53 điểm. Điều đó giúp việc vận hành van giảm áp được dễ dàng và chỉ cần một người thực hiện. Giải pháp này làm lợi cho công ty 9,6 tỷ đồng và tiết kiệm chi phí bảo trì, vận hành, thay pin thiết bị. Đây cũng là sáng kiến được nhiều đơn vị trong ngành trao đổi và ứng dụng. Ngoài sáng kiến trên, anh Hiếu có thêm nhiều sáng kiến giúp công nhân thi công tại hiện trường được thuận lợi, an toàn, giảm chi phí cho đơn vị.
Cùng suy nghĩ mang lại an toàn cho người lao động, giúp công ty tiết giảm chi phí, anh Tô Hữu Thọ, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Year 2000 (TP Thủ Đức), đã thực hiện nhiều cải tiến kỹ thuật. Chỉ riêng sáng kiến máy ép miếng cực với chi phí đầu tư 30 triệu đồng đã giúp công ty tiết kiệm hơn 26 tỷ đồng. Theo anh Thọ, dịch Covid-19 khiến DN gặp không ít khó khăn, bản thân được góp một phần nhỏ giúp công ty tăng năng suất, giảm chi phí chính là việc cần làm trong thời điểm hiện nay. Bởi công ty ổn định sản xuất, thì người lao động sẽ được đảm bảo về thu nhập, từ đó cuộc sống cũng đỡ chật vật hơn.
LĐLĐ TPHCM phối hợp Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp thực hiện sáng kiến “Nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp trong đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn TPHCM”, giúp người lao động nâng cao sức khỏe. Chương trình sẽ khám sức khỏe, tầm soát bệnh và chữa trị bệnh nghề nghiệp cho đoàn viên công đoàn, người lao động với giá giảm 15%. Trong đó, tập trung khám tại các ngành, lĩnh vực lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. |