Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang theo dõi một biến chủng mới của virus Sars-CoV2 được đặt tên là Mu, với những đột biến có thể vượt qua được hàng rào miễn dịch có được nhờ tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid và khỏi bệnh.
Theo tin từ CNBC, thông tin trên được WHO đưa ra trong báo cáo dịch tễ Covid hàng tuần vào ngày 1/9. Có tên khoa học là B.1.621, biến chủng Mu đã được WHO đưa vào danh sách các “biến chủng đáng quan tâm” (variants of interest) vào hôm 30/8.
WHO cho biết, Mu chứa những đột biến gen cho thấy miễn dịch tự nhiên, các vaccine hiện có, hoặc các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng có không phát huy được nhiều tác dụng đối với biến chủng này như đối với phiên bản đầu tiên của Covid. Biến chủng Mu cần được nghiên cứu kỹ hơn để xác định khả năng lây lan, gây tử vong hoặc kháng vaccine và các phương pháp điều trị hiện có.
Mu có “một chùm đột biến cho thấy biến chủng này có thể có khả năng chống lại miễn dịch”, báo cáo của WHO cho biết.
“Dữ liệu ban đầu cung cấp cho Nhóm công tác về sự phát triển của virus (VEWG) cho thấy sự suy giảm khả năng trung hoà của miễn dịch tự nhiên và miễn dịch từ vaccine đối với biến chủng Mu, tương tự như ở biến chủng Beta. Tuy nhiên, việc này cần nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định”.
Hiện WHO đáng theo dõi 4 “biến chủng đáng lo ngại” (variants of concern), bao gồm Delta - loại phát hiện lần đầu ở Ấn Độ và đang là biến chủng chủ đạo trên toàn cầu; Alpha - loại tìm thấy đầu tiên ở Anh; Beta - loại tìm thấy đầu tiên ở Nam Phi; và Gamma - loại tìm thấy đầu tiên ở Brazil.
Một biến chủng được xếp vào nhóm “đáng lo ngại” thường là một nhánh đột biến của virus có khả năng lây mạnh hơn, gây tử vong nhiều hơn, hoặc kháng mạnh hơn các vaccine và phương pháp điều trị hiện có.
Ngoài biến chủng Mu, danh sách “biến chủng đáng quan tâm” mà WHO đưa ra còn có 4 biến chủng khác, gồm Lamba - loại phát hiện đầu tiên ở Peru, đã gây dịch bùng phát tại một số quốc gia, và có đột biến gen có thể khiến biến chủng này trở nên nguy hiểm hơn so với các biến chủng khác.
Delta nằm trong danh sách “biến chủng đáng quan tâm” cho tới khi được WHO phân loại lại vào đầu tháng 5, sau khi tổ chức này phát hiện Delta có thể lây dễ hơn so với các biến chủng khác. Từ đó, Delta được cho là đã gây ra những đợt bùng dịch lớn trên khắp thế giới, bao gồm ở Đông Nam Á và Mỹ.
Biến chủng Mu được phát hiện đầu tiên ở Colombia và đến nay đã có mặt ở ít nhất 39 quốc gia, WHO cho biết. Mức độ hiện diện toàn cầu của Mu trong số các ca nhiễm được giải trình tự gen đã giảm xuống, hiện ở mức dưới 0,1%, nhưng mức độ hiện diện của Mu ở Colombia và Ecuador liên tục tăng - WHO cảnh báo.
WHO nói thêm cần thêm nghiên cứu để hiểu được những đặc tính lâm sàng của biến chủng mới.
“Yếu tố dịch tế của biến chủng Mu ở Nam Mỹ, nhất là sự đồng lưu hành với biến chủng Delta, sẽ được theo dõi để tìm ra các thay đổi”, báo cáo của WHO cho biết.