Trung Quốc làm “quá ít” trong việc điều tra dịch tễ ban đầu?
Theo một văn bản nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mà The Guardian tiếp cận được, giới chức Trung Quốc đã làm “quá ít” ở khía cạnh điều tra dịch tễ học đối với nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 ở Vũ Hán trong 8 tháng đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Bản tóm tắt nội bộ báo cáo về chuyến công tác của WHO, đề ngày 10/8/2020 cũng nói rằng, nhóm chuyên gia WHO đã gặp những người đồng nghiệp Trung Quốc như một phần nhiệm vụ giúp tìm ra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, họ không nhận được nhiều thông tin và cũng không được cung cấp các dữ liệu dưới dạng văn bản hay viết tay trong các cuộc thảo luận mở rộng với giới chức Trung Quốc.
Báo cáo này hé lộ thêm thông tin về việc các nhà khoa học WHO dường như bị cản trở trong những nỗ lực đầu tiên tìm hiểu về sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc.
Những thông tin trên được tiết lộ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden gần đây ra tuyên bố lo ngại về sự hợp tác của Trung Quốc trong điều tra dịch bệnh và rằng, WHO cần phải áp dụng các tiêu chuẩn cao để bảo vệ độ tin cậy của mình.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, cũng kêu gọi Trung Quốc công khai dữ liệu từ những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19, để tất cả các nước, trong đó có cả Trung Quốc, tham gia vào một quá trình “minh bạch và mạnh mẽ” nhằm ngăn ngừa và phản ứng trước các tình huống y tế khẩn cấp.
Bản báo cáo công tác nội bộ dài 2 trang là tóm tắt của Peter Ben Embarek - người đứng đầu nhóm WHO tới Trung Quốc trong thời gian từ 10/7-3/8/2020. Đây là chuyến công tác đầu tiên của WHO nhằm nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cũng như tìm hiểu về những việc đã được thực hiện [tại Trung Quốc] liên quan tới dịch bệnh do virus này gây ra.
Bản báo cáo cho biết, nhóm của WHO bắt đầu chuyến công tác với 2 tuần cách ly, tiếp đó là 10 ngày tiến hành các cuộc gặp trực tiếp với các bộ ngành liên quan của Trung Quốc, trong đó có cả Ủy ban y tế quốc gia, Cơ quan quản lý thị trường, Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn, cũng như Viện nghiên cứu virus học Vũ Hán.
Trung Quốc cung cấp quá ít thông tin
“Sau các cuộc thảo luận mở rộng và cả những trình bày từ phía Trung Quốc, có vẻ như không có nhiều việc được thực hiện ở khía cạnh điều tra dịch tễ học xung quanh Vũ Hán kể từ tháng 1/2020. Các thông tin trao đổi qua lời nói cũng không đem lại nhiều chi tiết hơn so với những gì đã được nêu trong các cuộc họp tại ủy ban khẩn cấp hồi tháng 1/2020. Không có các bản chiếu Power Point và cũng không có văn bản nào được chia sẻ”, báo cáo của WHO cho biết.
Người phát ngôn WHO từ chối bình luận về “các văn bản nội bộ” này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng không phản hồi đề nghị bình luận từ The Guardian.
Tại một cuộc họp báo ngày 21/8/2020, khi một phóng viên của Tạp chí Science đặt câu hỏi với các quan chức WHO về chuyến công tác tháng 7-8/2020, bà Maria Van Kerkhole, chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm và trưởng nhóm chuyên môn của WHO về Covid-19, nói rằng, nhóm công tác vừa mới trở về từ Trung Quốc và đã “tìm hiểu” được từ những người đồng nghiệp Trung Quốc về những việc “đã và đang được tiến hành”.
Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan sau đó cho biết thêm: “Điều quan trọng là nhiệm vụ đã được tiến hành, nhưng cũng có một số nghiên cứu sơ bộ cần phải được thực hiện. Các đồng nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc đã thảo luận khá kỹ về điều đó với nhóm chuyên gia WHO và chúng tôi hy vọng những nghiên cứu đó có thể tiến hành sớm nhất có thể”.
Những câu hỏi sâu hơn về sự hợp tác của Trung Quốc trong việc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 nổi lên sau chuyến công tác của các chuyên gia WHO tới Trung Quốc hồi tháng 1/2021.
Dominic Dwyer, một chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh truyền nhiễm người Australia, đồng thời là thành viên nhóm điều tra của WHO, gần đây nói với các phóng viên rằng, trong chuyến công tác tháng 1/2021, nhóm của ông đã đề nghị phía Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô của bệnh nhân nhưng chỉ được cung cấp bản tóm tắt.
Dwyer nói với Reuters rằng, việc chia sẻ dữ liệu thô của các bệnh nhân đã được giấu tên là thông lệ trong điều tra dịch bệnh. Các dữ liệu này đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu về Covid-19 do chỉ có một nửa trong số 174 ca mắc ban đầu là có liên quan tới khu chợ hải sản nơi mà virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên.
Trong một tuyên bố với The Guardian, WHO nói rằng tổ chức này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm hiểu về nguồn gốc virus “ngay từ rất sớm” và cũng đã thảo luận với phía Trung Quốc trong suốt năm 2020 về việc cần phải nghiên cứu và chia sẻ thông tin.
“Tháng 7/2020, WHO đã được chính phủ Trung Quốc mời tới nước này và chúng tôi đã cử một nhóm “tiền trạm” tới Trung Quốc để chuẩn bị cho công việc của nhóm nhà khoa học quốc tế. Một nhóm kết hợp giữa các nhà khoa học quốc tế và Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành các cuộc họp trực tuyến vào mùa thu năm 2020”.
Người phát ngôn của WHO cho biết thêm: “Họ đã tới Vũ Hán vào tháng 1-2/2021. Trong những ngày đầu tiên bùng phát dịch bệnh, ưu tiên hàng đầu là cứu sống mạng người, hiểu về dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng công việc tìm hiểu nguồn gốc của bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh nào cũng phải bắt đầu từ rất sớm, khi mà các bằng chứng nhất định có thể được tìm thấy dễ dàng hơn”.
Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh, trong tương lai, việc tiến hành điều tra về nguồn gốc dịch bệnh cũng nên được tiến hành song song với việc cấp bách ngăn chặn sự lây lan hay cứu sống người bệnh.