PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi làm nông nghiệp sạch theo mô hình NNCNC tại TPHCM?
Ông LÂM NGỌC TUẤN: - Với dân số đông, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của TPHCM rất lớn. Đặc biệt, những năm gần đây người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp sạch, nên cơ hội càng nhiều hơn cho những đơn vị như Tuấn Ngọc. Thí dụ, khi chúng tôi tham gia phiên chợ Xanh tử tế (do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA) tổ chức, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100kg rau. Hay hiện nay khi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị như Saigon Coop, Bách Hóa Xanh, sản lượng của Tuấn Ngọc vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nên chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng rau thủy canh. Với diện tích hiện tại 14.000m2, Tuấn Ngọc hy vọng có thể mở rộng thêm 10.000m2 vào năm sau.
Hiện Chính phủ cũng như UBND TPHCM có nhiều chính sách ủng hộ làm nông nghiệp theo mô hình CNC, song cũng còn những bất cập chúng tôi phải đối mặt. Đơn cử, sự bất đồng giữa các cơ quan quản lý như các phòng tài nguyên môi trường, quản lý đô thị và Sở Nông nghiệp trong việc thuê đất mở rộng diện tích. Tuấn Ngọc xin thuê đất nông nghiệp để phát triển NNCNC nhưng lại vướng việc xây nhà màng trên đất nông nghiệp. Đã có khá nhiều cuộc họp của TP nhằm tháo gỡ vấn đề này, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Một số gợi ý Tuấn Ngọc có thể mở rộng về Củ Chi tại khu NNCNC, nhưng xét về giao thông, khí hậu ở quận 9 vẫn thuận lợi hơn, tính cạnh tranh tốt hơn. Cái khó nữa khi làm NNCNC là vốn đầu tư ban đầu không nhỏ.
- Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch khó tiếp cận thị trường do giá cao, cạnh tranh không lại những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Tuấn Ngọc trải qua giai đoạn này như thế nào, thưa ông?
- Đầu năm 2017 chúng tôi cung cấp rau cho các cửa hàng nhỏ tại khu vực quận 9, quận 2 và một số quận lân cận. Thời gian đầu khi đưa ra thị trường cũng không dễ dàng do giá rau thủy canh Tuấn Ngọc cao hơn gần 2,5 lần so với rau thông thường. Hơn nữa, lúc đó người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin về rau thủy canh nên không mặn mà với sản phẩm của chúng tôi.
Sau một thời gian tham gia các phiên chợ như phiên chợ Xanh tử tế, đồng thời có thêm hỗ trợ từ trung tâm tư vấn của Sở Nông nghiệp, Tuấn Ngọc tham gia nhiều chương trình nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi đã có uy tín nhất định, Tuấn Ngọc đã ký hợp đồng làm nhà cung cấp rau cho Saigon Coop và Bách Hóa Xanh. 2 đơn vị này có quy trình rất nghiêm ngặt trong kiểm định chất lượng rau, ban đầu chỉ đặt khoảng 200kg/ngày, nay sản lượng đã tăng lên 1-1,2 tấn/ngày. Họ còn đang yêu cầu chúng tôi tăng thêm sản lượng, nhưng do không có đủ quỹ đất nên chúng tôi chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Hiện Tuấn Ngọc đang ấp ủ dự định nghiên cứu để giảm chi phí đầu tư ban đầu xuống mức thấp nhất nhằm hạ giá thành sản phẩm, từ đó có thể đưa hàng vào các chợ truyền thống phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Thực tế khi vào chợ truyền thống rau sạch phải cạnh tranh rất khốc liệt với rau không đạt tiêu chuẩn. Đáng lo ngại hơn là sản phẩm của chúng tôi phải cạnh tranh với những loại rau sạch “dỏm” làm không đúng quy trình, không theo tiêu chuẩn, không đạt chất lượng.
- Để quản lý sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, TPHCM đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có dán tem truy xuất nguồn gốc và gần đây nhất là ý tưởng xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc với sản phẩm nông sản tiêu thụ tại TP. Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp này?
- Trước hết, việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau thủy canh, Tuấn Ngọc đang thực hiện nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn sản phẩm rau sạch của chúng tôi và tin tưởng khi mua. Tuy nhiên nó cũng đẩy chúng tôi vào nỗi lo tem truy xuất giả. Thực tế, có đơn vị họ thu mua sản phẩm ở đâu đó, hoặc làm không đúng quy trình, nhưng vẫn dán tem và giới thiệu đó là sản phẩm của Tuấn Ngọc. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi đang nỗ lực để có những cách thức nhận dạng khác biệt cho sản phẩm của mình, trước hết để đảm bảo cam kết về chất lượng với người tiêu dùng, tránh nhầm lẫn với nhiều sản phẩm thủy canh khác.
Về việc xác lập hàng rào kỹ thuật bắt buộc với sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tại TPHCM, tôi nghĩ rất cần thiết. Khi chúng ta xuất khẩu luôn phải đảm bảo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, càng vào những thị trường khó tính tiêu chuẩn càng khắt khe. Vậy tại sao khi tiêu thụ trong nước chúng ta không có quy chuẩn bắt buộc. Điều này không chỉ đảm bảo có thể quản lý theo chuỗi thuận lợi, còn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Với những nhà sản xuất sạch như chúng tôi, khi có tiêu chuẩn sẽ có sự cạnh tranh công bằng.
Cụ thể, với dân số đông, TPHCM đang phải nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm từ nhiều tỉnh/thành khác. Điều này khiến các sản phẩm sạch phải cạnh tranh gay gắt hơn với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, nhất là với hàng “nhái, giả” sạch. Việc xác lập tiêu chuẩn ban đầu có thể khó nhưng nếu kiên quyết chắc chắn sẽ làm được. Về lâu dài nó còn đảm bảo cho sản phẩm nông nghiệp nội địa có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu.
Để nuôi trồng theo các tiêu chuẩn như VietGap không phải nông dân không làm được, mà do tâm lý muốn sản lượng nhiều, thu hoạch sớm nên không muốn làm theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đã đến lúc giúp họ thay đổi suy nghĩ, nông nghiệp phải hướng đến bền vững, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Khi tất cả cùng làm sản phẩm sạch sẽ không còn những câu hỏi tại sao phải làm như thế, sẽ không phải vận động, khuyến khích làm sản phẩm sạch như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông.
Việc xác lập tiêu chuẩn rau sạch, ngoài tạo lòng tin cho người tiêu dùng, còn nhằm đảm bảo cho sản phẩm nông nghiệp nội địa có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu. |