TS. VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Xây dựng DN liêm chính
Tại Việt Nam hiện nay, thực tế cho thấy hệ thống quản trị có cơ chế đảm bảo sự liêm chính trong DN còn nhiều hạn chế. Các DN muốn phát triển bền vững, muốn tham gia thị trường thế giới cần phải đầu tư cho hệ thống kiểm soát để đảm bảo sự liêm chính trong DN, đặc biệt đối với DNNVV.
Khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của DN không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng, các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới, thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu. Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng, là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính DN.
Muốn thực hiện được phòng chống tham nhũng hay thực hiện liêm chính DN, bên cạnh khát vọng, mong muốn, mục tiêu hướng tới, cần có những mô hình, công cụ và công nghệ. Hiện nay, VCCI đã nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ quy tắc ứng xử để các DN có thể áp dụng được một cách đơn giản, góp phần xây dựng DN liêm chính.
PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ:
Lãnh đạo DN phải đi đầu chống tham nhũng
Singapore được biết đến là quốc gia có hệ thống quản lý trong sạch và tham nhũng ở mức độ thấp. Đây cũng là quốc gia ít tham nhũng, đứng thứ 6 trên thế giới đánh giá theo Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI); đồng thời liên tục trong nhiều năm được xếp hạng là đất nước châu Á ít tham nhũng nhất tại các cuộc điều tra khảo sát hàng năm. Để làm được điều này, Singapore cũng phải trải qua thời gian dài áp dụng các công cụ hữu hiệu trong quản lý và giám sát. Thí dụ, vừa qua nước này đã xem xét Bộ luật Quản trị DN, trong đó nhấn mạnh vai trò của hội đồng quản trị trong việc thiết lập văn hóa, giá trị và tiêu chuẩn đạo đức DN phù hợp với tất cả các cấp của công ty.
Theo nguyên tắc cơ bản của bộ luật này, hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quản lý rủi ro và bảo đảm việc duy trì một hệ thống đầy đủ và hoàn chỉnh về quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ.
Cụ thể, hội đồng quản trị công ty phải có sự giám sát cẩn thận, thực thi nghiêm ngặt và đưa ra hình phạt nghiêm khắc với vi phạm, bao gồm sa thải, báo cho cơ quan hữu quan và công khai vi phạm. Quan trọng hơn, cả hội đồng quản trị và lãnh đạo cấp cao của DN phải là những người đi đầu làm gương thông qua các hành động cụ thể.
Ông GARETH WARD, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam:
Ông GARETH WARD, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam:
Bước đi cụ thể, tránh gây sốc DN
Thúc đẩy môi trường kinh doanh tập trung vào lĩnh vực liêm chính DN tiếp tục là một trong những ưu tiên của Vương quốc Anh tại Việt Nam. Tôi cho rằng để các DN Việt Nam nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của thực hiện liêm chính và minh bạch cần phải có lộ trình cụ thể, tránh gây sốc cho DN. Thực tế, nước Anh cũng đã phải trải qua thời gian rất dài mới có thể làm được điều này. Luật chống hối lộ 2010 là công cụ pháp lý quan trọng nhất trong việc phòng chống tham nhũng của Vương quốc Anh.
Sự ra đời của luật này được đánh giá thể hiện vai trò hàng đầu của Anh trong việc xóa bỏ tham nhũng và hỗ trợ sự phát triển thương mại quốc tế. Luật cũng thể hiện chính sách xử lý nghiêm khắc và toàn diện đối với các hành vi hối lộ nói chung và hối lộ trong kinh doanh nói riêng (tăng mức phạt tù cao nhất lên 10 năm so với 7 năm theo luật cũ).
Trên cơ sở đó, năm 2011 Bộ Tư pháp Anh đã ban hành hướng dẫn về những thủ tục (biện pháp) các tổ chức thương mại liên quan có thể áp dụng để ngăn ngừa hối lộ. Hàng năm, chúng tôi tổ chức những đợt tập huấn cho DN với nội dung chủ yếu, như hướng dẫn xác định các chính sách, biện pháp phòng ngừa hối lộ cần được thực thi một cách thích đáng, đưa ra các nguyên tắc bắt buộc các tổ chức thương mại phải áp dụng như cam kết cấp cao, đánh giá nguy cơ, kiểm soát và giám sát.
Bà CAITLIN WIESEN, quyền Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam:
Bà CAITLIN WIESEN, quyền Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam:
Phát huy công cụ kiểm soát nội bộ
Lịch sử cho thấy tham nhũng luôn là kẻ thù phá hủy lý tưởng hoạt động của các công ty. Điều quan trọng là DN cần nhận thức được các tiêu chuẩn đạo đức, lấy đó làm nền tảng để hoạt động, hạn chế tham nhũng ở mức thấp nhất có thể. Hội đồng quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng văn hóa kinh doanh đúng đắn để chỉ đạo công ty sạch bóng tham nhũng và đứng ngoài các cuộc khủng hoảng. Trên thế giới, kiểm soát nội bộ là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi mắt xích quản trị DN. Kiểm soát nội bộ là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu rủi ro, phát hiện gian lận, đảm bảo tuân thủ quy định, thông lệ tốt về quản trị công ty, cải thiện hoạt động quản trị nội bộ cũng như kiện toàn ban kiểm soát nội bộ vững mạnh để đủ năng lực trợ giúp hội đồng quản trị thực hiện tốt vai trò giám sát.
Trong thương mại toàn cầu, khái nghiệm về kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng chuỗi giá trị có trách nhiệm là yêu cầu quan trọng. Một trong số đó là thực hiện liêm chính, phòng chống tham nhũng.
Do đó, một DN muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu, không những cần bảo đảm tuân thủ luật pháp của quốc gia nơi DN đó được thành lập, còn cần tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của các công ty đối tác nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia.