Sau 1 tháng ban hành, Nghị định 71 được áp dụng vào ngày 10-11-2012 ngay lập tức tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau trong đại bộ phận dân chúng. Sau 2 ngày thực thi, chiều 12-11-2012, Bộ Công an đã phải tổ chức họp báo để giải thích thêm một số băn khoăn về chuyện phạt hay không phạt đối với các phương tiện chưa sang tên đổi chủ khi tham gia giao thông. Rõ ràng, xung quanh một luật lệ mới mà không có lộ trình triển khai hợp lý sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy phát sinh.
Trước hết, phải thừa nhận Nghị định 71 ra đời nhằm thiết lập mạnh mẽ trật tự giao thông. Người dân hoàn toàn đồng tình việc tăng mức xử phạt đối với nhiều nhóm hành vi vi phạm như điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao và chở người quá quy định...
Thậm chí, không ai phàn nàn về một số hành vi vi phạm chưa được quy định trước đây như điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định... cũng được bổ sung và xử phạt nặng.
Tuy nhiên, vướng mắc duy nhất ở Nghị định 71 là chuyện xe chính chủ. Theo quy định mới, tất cả phương tiện đã mua bán nhưng không chuyển đổi quyền sở hữu đều bị phạt khi tham gia giao thông. Điều này có nghĩa người lái xe phải là chủ nhân của chính chiếc xe ấy. Nhìn trên bình diện khách quan, việc sang tên đổi chủ phương tiện là nguyên tắc thế giới áp dụng từ lâu.
Bất cứ tài sản nào sau khi giao dịch cũng phải thay tên đổi chủ, vì liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Nếu người dân không làm việc này là vi phạm luật pháp và phải chịu xử lý hành chính. Tuy nhiên, từ lâu các cơ quan quản lý quên việc xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ nên người dân thấy không cần thiết phải sang tên. Hiện tại chưa có tài liệu nào chính thức thống kê được số xe không chính chủ trên cả nước, nhưng dựa theo điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, con số này khoảng 40%.
Có những phương tiện đã qua hàng chục đời chủ mà không biết người chủ đầu tiên là ai, thậm chí chủ trước đã chết từ lâu. Lỗi này không của riêng ai, người sở hữu phương tiện cũng có trách nhiệm, công tác quản lý cũng không thể thoái thác trách nhiệm.
Khi Nghị định 71 triển khai, đại đa số người dân ngỡ ngàng trước khái niệm “xe chính chủ”. Trên blog cá nhân, ca sĩ Mỹ Linh viết: "Ông xã mình vừa nói câu hay. Ô, thế chả nhẽ giờ không ai được mượn xe à? Con đi xe của bố mẹ cũng không được à?".
Tiếp đó, nữ ca sĩ gợi ý các fan hâm mộ, bạn bè viết tiếp câu chuyện dở dang của mình: "Chuyện kể có nhà kia có 2 người con trai. Cả nhà làm lụng vất vả ky cóp đến ngày người cha già mua được cái xe. Người cha nghĩ mình đã già yếu có 2 thằng con, chả nhẽ để tên đứa này thì đứa kia lại nghĩ ngợi. Thế nên ông để tên mình. Chả biết số xui thế nào vừa mua cái xe hôm trước hôm sau ông già lăn ra ốm thập tử nhất sinh. 2 người con muốn lấy xe chở ông già đi viện ngặt nỗi xe lại mang tên ông già, thế nên chả anh nào dám đi. Bàn đi tính lại chưa biết ra sao thì ông chả đợi được nên qua đời. Mời các bạn tiếp tục viết nốt truyện nhạt ...".
Xác định xe không chính chủ để phạt gây khó người dân khi dùng xe chung trong gia đình. |
Chủ trương “xe chính chủ” rất đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, ngoài việc tăng thêm nguồn thu thuế cho ngân sách còn tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xử lý những rắc rối về trật tự xã hội. Chưa cần kể đến trường hợp phương tiện gây tai nạn hoặc chở hàng phạm pháp, với hình thức quản lý vi phạm giao thông bằng camera tại các tuyến đường Hà Nội và TPHCM thì hình ảnh quay lại xe vi phạm có khi chỉ là biển số xe. Nếu không phải xe chính chủ, không thể “phạt nguội” đối tượng vi phạm.
Liên quan đến việc tiến hành xử phạt đối với chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ theo Nghị định 71, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định việc phạt lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện hoàn toàn không khả thi. Phải hiểu một cách chính xác, xử phạt chủ phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ, chứ không phải xử phạt người điều khiển xe không chính chủ.
Đây là 2 điều hoàn toàn khác nhau về bản chất. Bởi luật pháp Việt Nam không cấm người không có xe mượn xe của người khác để đi. Chẳng hạn như ngay trong gia đình có 1 chiếc xe ô tô, nếu như có giấy phép lái xe cả bố mẹ và các con đều có thể sử dụng. Và luật pháp Việt Nam cũng không bắt buộc người điều khiển phương tiện phải điều khiển xe chính chủ của mình.
Vấn đề đặt ra khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt là làm sao xác định được người điều khiển phương tiện khi mua bán không sang tên đổi chủ? Giới luật sư cũng có cách phân tích riêng. Theo đó, Luật Dân sự có điều khoản công nhận hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản. Khi mua bán phương tiện, giữa 2 bên hoàn toàn có thể không cần phải thực hiện các thủ tục sang tên đổi chủ mà thực hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản vẫn hợp pháp.
Như vậy, việc xử phạt lỗi không sang tên chính chủ trở nên vô hiệu. Cũng chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho rằng khi chưa xác định được rõ chủ sở hữu phương tiện chưa thể xử phạt người điều khiển. Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế tại Việt Nam thì việc xử phạt với những trường hợp này rất khó.
Trong Thông tư 36 của Bộ Công an quy định, việc đăng ký xe sau 30 ngày mua bán thì phải sang tên đổi chủ, sau 30 ngày, nếu không làm thủ tục, khi CSGT phát hiện sẽ tiến hành xử phạt. Nay có thêm Nghị định 71, phải chăng đối với những người mượn xe cần phải có giấy ủy quyền của chủ phương tiện hoặc phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần phải có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh…?
Tại buổi họp báo chiều ngày 12-11-2012, lãnh đạo Bộ Công an kết luận: "Khi tuần tra kiểm soát phát hiện trường hợp có giấy đăng ký xe nhưng tên của chủ xe không trùng với tên người lái, người lái trình bày đi mượn, đi thuê hay xe gia đình thì không xử phạt hành vi mua bán không sang tên”.
Để người dân nghiêm chỉnh thực hiện “xe chính chủ”, có lẽ các cơ quan chức năng phải đơn giản hóa việc sang tên đổi chủ. Ví dụ, với xe đã qua nhiều chủ, người sử dụng cuối cùng sẽ đứng ra làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu. Bên cạnh đó, lệ phí sang tên đổi chủ phương tiện cần hạ xuống mức thấp nhất để khuyến khích công dân chung tay thiết lập trật tự giao thông cùng Nghị định 71.