Xếp hạng tín nhiệm: Nên khuyến khích hay bắt buộc?

(ĐTTCO) - Trước thực trạng doanh nghiệp đẩy mạnh huy động trái phiếu (TP) nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường, yêu cầu hoàn thiện giải pháp góp phần đưa thị trường TP doanh nghiệp (TPDN) phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả ngày càng bức thiết. Trong số các giải pháp đó, xếp hạng tín nhiệm là một bài toán đang được đặt ra.

Xếp hạng tín nhiệm có thể khuyến khích chứ không bắt buộc, nhưng công ty xếp hạng tín nhiệm phải có trách nhiệm nếu xếp hạng không đúng quy trình chuẩn mực.
Xếp hạng tín nhiệm có thể khuyến khích chứ không bắt buộc, nhưng công ty xếp hạng tín nhiệm phải có trách nhiệm nếu xếp hạng không đúng quy trình chuẩn mực.
Xếp hạng tín nhiệm lại được xới lên
Trong một thị trường tài chính phát triển, hệ thống NH chỉ tập trung lo toan các dòng vốn ngắn hạn của nền kinh tế, còn các nhu cầu vốn trung hạn và dài hạn phải dựa vào thị trường vốn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hệ thống NH vẫn phải đảm đương phần lớn các nhu cầu vốn trung hạn và dài hạn của nền kinh tế bên cạnh việc đáp ứng vốn ngắn hạn. 
Yếu tố mâu thuẫn với thực tiễn là hệ thống NH huy động vốn ngắn hạn, trong khi lại đáp ứng chủ yếu vốn trung và dài hạn, nên mới sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này cũng đồng nghĩa cần phải xuất hiện các công cụ, các phương tiện trên thị trường vốn.
Phát hành TPDN là một hướng tiếp cận tốt để huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ cũng đã có những văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động huy động vốn của các DN thông qua TP. Nhưng cái gì cũng sẽ có rủi ro. 
Chính vì vậy, đầu năm 2019 tại một diễn đàn kinh tế tại TPHCM, các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu nhắc đến câu chuyện xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP, sau khi chứng kiến khối lượng phát hành TPDN tăng mạnh trong năm 2018. Các chuyên gia khi đó đã sớm đặt vấn đề rằng, khi các DN huy động vốn từ TP nhưng sử dụng vốn không hiệu quả, họ không thể hoàn trả thì chuyện gì xảy ra?
Đó là vấn đề mà những người làm chính sách phải quan tâm. Quan tâm ở đây tức là cần phải có sự bảo đảm từ các khâu đầu tiên, tức phải có xếp hạng tín nhiệm, đánh giá uy tín của các DN khi phát hành TPDN. 
Thời gian này, câu chuyện xếp hạng tín nhiệm một lần nữa được giới chuyên gia lật lại trước yêu cầu phải phát triển lành mạnh bền vững sau khi xảy ra vụ việc các lô TP bị hủy của nhóm Công ty Tân Hoàng Minh.
Trên thực tế, xếp hạng tín nhiệm không phải là quy định bắt buộc. Chẳng hạn, Singapore, Hàn Quốc có thị trường TPDN phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm 100%, mà chỉ khuyến khích DN xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành TP. 
Tuy nhiên, với việc tỷ lệ phát hành TP "3 không" (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm) chiếm đến 30% trong tổng khối lượng phát hành TPDN, việc không có đánh giá tín nhiệm rõ ràng là điều chưa phù hợp. 
Liên quan đến vấn đề xếp hạng, trong các Nghị định quy định về phát hành TPDN trước đây, kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP và loại TP phát hành được kèm vào hồ sơ chào bán “nếu có”, tức là không bắt buộc.
Nhưng mới nhất, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ công bố vừa qua, cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng yêu cầu phải có “kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP…”.
Có thể hiểu dự thảo quy định chặt hơn về vấn đề xếp hạng tín nhiệm đối với phát hành TPDN. Nhưng có ý kiến cho rằng quy định như vậy DN cũng có thể “lách” việc xếp hạng tín nhiệm, bằng cách phát hành TPDN cho nhà đầu tư tổ chức.

Cân nhắc khuyến khích hay bắt buộc
GS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có quy định minh bạch hóa để thị trường này phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hầu hết các quốc gia cũng không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, nhưng do Việt Nam là thị trường mới cần phải có. Nhưng không nên coi đây là điều kiện bắt buộc mà chỉ là điều kiện khuyến khích các DN, bởi nếu có xếp hạng tín nhiệm sẽ tốt hơn cho DN trong việc phát hành. 
Theo ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting), từ kinh nghiệm 12 năm khảo sát trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm tại một số thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… thì những gì Việt Nam đã trải qua cũng là những "lỗi" mà họ mắc phải từ 20-30 năm trước khi còn ở thị trường sơ khai.
Ông Minh cho rằng, hiện thị trường TPDN cần sẵn sàng 3 chủ thể quan trọng đáp ứng được nhu cầu, gồm: nhà nước định hướng quản lý vì tiền kiểm là khâu tối quan trọng; minh bạch thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường. Tức là nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển và nâng cao văn hóa xếp hạng tín nhiệm, văn hóa tuân thủ quy định của DN.
Một góc nhìn khác từ TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hiện nhiều nước có thị trường TPDN phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm 100% trước khi phát hành mà chỉ khuyến khích. Như ở Singapore, họ khuyến khích xếp hạng tín nhiệm bằng cách các DN phát hành TP có xếp hạng sẽ được hỗ trợ chi phí gấp đôi so với DN không có xếp hạng tín nhiệm. Trong bối cảnh như vậy, với Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc là vấn đề cần phải cân nhắc.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có thể xem xét thời gian đầu bắt buộc và khi DN và thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra.
Đồng thời nếu đưa ra bài toán xếp hạng tín nhiệm cũng cần phải cân nhắc vấn đề cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn. Việt Nam hiện có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, quá ít khó có thể cung cấp dịch vụ cho toàn bộ thị trường hiện nay.
Quy trình thủ tục xếp hạng tín nhiệm cũng phải được rút ngắn, đảm bảo nhanh gọn khoảng 1-2 tháng, để không làm mất cơ hội của DN. Đi kèm theo là quy định rõ trách nhiệm của đơn vị xếp hạng tín nhiệm đến đâu. 
 Singapore, Hàn Quốc có thị trường TPDN phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm 100%, mà chỉ khuyến khích DN xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành TP. 

Các tin khác