PHÓNG VIÊN: - Qua gần 9 năm mới xử lý được 2 NH yếu kém, ông đánh giá như thế nào về quá trình này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Năm 2015, NHNN đã sử dụng biện pháp kỹ thuật mua 0 đồng để xử lý đối với 3 nhà băng CBBank, GPBank và OceanBank nhằm bảo đảm an ninh của hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các NH này thực tế diễn ra không hiệu quả mà tiếp tục thua lỗ, gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ xấu.
Do vậy, việc chuyển giao CBBank cho Vietcombank và OceanBank cho MBBank này vừa giúp cải thiện tình hình tài chính của 2 NH yếu kém, vừa tạo cơ hội cho Vietcombank và MBBank mở rộng quy mô hoạt động.
Song vấn đề là những khoản lỗ của các NH được chuyển giao sẽ được xử lý thế nào trong tương lai? Nếu chiếu theo quy định của Luật TCTD năm 2024, khoản lỗ của NH được chuyển giao sẽ không sáp nhập vào NH nhận chuyển giao, còn tài sản của NH được chuyển giao được hợp nhất với NH nhận chuyển giao.
Theo nguyên tắc kế toán, nếu một NH mẹ sáp nhập 100% NH con, không chỉ tài sản được sáp nhập mà lời lỗ cũng phải được hạch toán vào NH mẹ. Trong khi 2 NH được chuyển giao sẽ hoạt động như một NH con, tài sản sản hợp nhất với NH mẹ, tất cả mọi sự quản lý thuộc về NH mẹ, nhưng phần lỗ lại không thuộc về NH mẹ. Đây là một sự hạch toán không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong Luật TCTD năm 2014 chưa nói rõ các NH mẹ sẽ hỗ trợ NH con thế nào, nhưng khi NH mẹ sở hữu 100% NH con, bắt buộc họ phải hỗ trợ NH con về vốn cũng như về mặt kỹ thuật và dịch vụ.
NH mẹ chịu trách nhiệm cho NH con, nhưng trên bảng cân đối kế toán lại không hợp nhất lỗ của NH con, vậy trong tương lai NH con đó hoạt động thế nào? Một báo cáo tài chính được miễn trừ như vậy thì độ tin cậy cũng không cao, và chưa biết công ty kiểm toán sẽ xử lý trường hợp này như thế nào.
Trong khi đó, cũng khó mong đợi CBBank và OceanBank sẽ chuyển từ tình trạng lỗ sang lãi trong một thời gian ngắn. Đó là vấn đề đang đặt ra và chúng ta cùng theo dõi xem sắp tới đây các vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào.
- Một mục tiêu nữa mà mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa nhắc lại, phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 NH nằm trong nhóm 100 NH lớn mạnh nhất trong khu vực. Thời hạn sắp đến, ông nghĩ như thế nào về khả năng thực hiện được mục tiêu này?
- Mục tiêu này đã được đặt ra cách đây vào khoảng 10 năm, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn để Việt Nam có một vài NH trở thành những NH lớn nhất của vùng Đông Nam Á, đòi hỏi phải đạt được hai điều kiện.
Thứ nhất là vốn chủ sở hữu phải rất lớn, và thứ hai là quy mô hoạt động cũng phải lớn. Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng hơn là chất lượng về dịch vụ. Trong khi đó, các NH Việt Nam vẫn còn đang loanh quanh trong vấn đề tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn, xử lý nợ xấu và sự có mặt ở các thị trường thế giới còn khiêm tốn.
Hiện chỉ có Vietcombank mở văn phòng đại diện tại Mỹ, VietinBank và BIDV hiện diện ở châu Âu, còn lại một số NH mới có chi nhánh ở Lào, Campuchia.
Trong tất cả các NH, tôi đánh giá Vietcombank và VietinBank có khả năng hướng đến mục tiêu này. Tuy nhiên, các NH này hiện nay đang gặp vấn đề là thiếu vốn, nên để vươn tới mục tiêu này còn một đoạn đường rất xa. Muốn đạt được mục tiêu trên, cần phải bổ sung vốn cho họ.
Hiện nay phần vốn của nhà nước tại các NH này còn quá lớn. Chính phủ và NHNN cũng trình các phương án bổ sung vốn cho Vietcombank, dự kiến lấy từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông Nhà nước. Điều này vẫn chưa đủ.
Trong tương lai, cần phải giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các NH này, để các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư ở trong nước tham gia mạnh mẽ, từ đó đẩy vốn lên tiến tới các mục tiêu lớn được đặt ra. Bởi thị trường thế giới sẽ không chấp nhận được một NH của Việt Nam muốn đi vào sân chơi quốc tế nhưng không có vốn mạnh.
- Giảm sở hữu chéo và xử lý nợ xấu cũng là một vấn đề lớn trong hành trình tái cơ cấu NH, theo ông những vấn đề này đã được xử lý ổn thỏa chưa?
- Vấn đề sở hữu chéo là vấn đề rất lớn. Chúng ta đã có Luật TCTD năm 2024, nhằm tìm cách giảm tất cả các tỷ lệ sở hữu chéo. Tuy nhiên, sở hữu chéo là một vấn đề nằm trong hệ thống NH của Việt Nam từ nhiều năm nay.
Tình trạng sở hữu chéo có thể giảm trên giấy tờ, nhưng thực chất vẫn ăn sâu, bám rễ và ngày càng tinh vi, khiến việc xử lý vô cùng khó khăn. Hiện các NH đang công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, nhưng thông tin đó có thể vẫn chưa đủ minh bạch.
Vì các cổ đông trong NH thường có móc nối chồng chéo với nhau, và có nhiều cổ đông không phải là cổ đông thực chất mà chỉ là bình phong cho những cổ đông khác.
Sự thật về tỷ lệ sở hữu cần phải có sự điều tra của NHNN, thanh tra tất cả những NH, và cần phải có những biện pháp rất mạnh mẽ để xử lý những vấn đề sở hữu chéo.
Chẳng hạn, nếu phát hiện NH nào không minh bạch trong vấn đề sở hữu chéo, sẽ áp dụng hình phạt cao nhất là rút giấy phép hoạt động. Chỉ có cách đó, các NH mới có thể báo cáo một cách chính xác về tỷ lệ sở hữu.
Từ chỗ biết rõ về tỷ lệ sở hữu, biết được mức nào trái quy định, NHNN sẽ yêu cầu các NH điều chỉnh để phù hợp với luật lệ. Trên cơ sở đó, ngành NH mới có thể giảm thiểu được vấn đề sở hữu chéo, giảm nguy cơ rủi ro cho hệ thống.
Nhìn chung, việc xử lý NH yếu kém trong chương trình tái cơ cấu NH giai đoạn 2021-2025 của chúng ta vẫn còn chậm, bởi chúng ta sắp bước sang năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn tái cơ cấu. Hy vọng trong năm tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn các vấn đề xử lý NH yếu kém, vì hiện tại còn 3 NH cần phải xử lý là GPBank, DongABank và SCB.
- Xin cảm ơn ông.
Khoản lỗ của NH được chuyển giao sẽ không sáp nhập vào NH nhận chuyển giao, nhưng tài sản thì được hợp nhất. Trong khi 2 NH được chuyển giao sẽ hoạt động như một NH con, tài sản sản hợp nhất với NH mẹ, tất cả mọi sự quản lý thuộc về NH mẹ, nhưng phần lỗ lại không thuộc về NH mẹ?