Song trao đổi với ĐTTC, TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Nghị quyết 42 chỉ mới tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ các TCTD xử lý tài sản đảm bảo, nhưng chưa giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến nợ xấu. Theo đó, một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh vẫn là bài toán lớn được đặt ra.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào về tiến độ xử lý nợ xấu sau khi có Nghị quyết 42 đến nay?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Số liệu giữa năm 2019 cho thấy nợ xấu nội bảng của hệ thống còn 1,98%. Nếu cộng cả nợ xấu nội bảng phần bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu cũng ở mức dưới 5%. Nhìn vào thời điểm cuối năm 2016 con số này trên 10%, cho thấy đây là một xu hướng tích cực. Cũng phải nói rõ, không bao giờ có thể giải quyết hết nợ xấu, vì bản thân nợ xấu là bạn đồng hành của TCTD, hoạt động cho vay luôn có rủi ro người vay không trả được nợ và các TCTD cho vay luôn có trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng hiện nay tỷ lệ nợ xấu nội bảng như vậy tạo sự an toàn cho hệ thống, không gây nguy cơ mất thanh khoản và cũng tạo điều kiện cho ngành NH tăng tỷ suất lợi nhuận, thay vì nhiều năm trích lập rủi ro để bù đắp nợ xấu.
Dù hoạt động mua bán nợ vẫn đang diễn ra, nhưng để bổ sung hệ thống luật pháp cho một thị trường mua bán nợ theo thông lệ quốc tế có lẽ còn phải nhiều năm nữa. |
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, để giải quyết vấn đề mua bán nợ xấu căn cơ phải hình thành thị trường mua bán nợ. Thị trường này phải có những yếu tố tác động cả cung lẫn cầu và xác định những điểm nghẽn, điểm tắc của thị trường ở đâu. Do đó, những gì triển khai từ khi thực hiện Nghị quyết 42 đến nay là tích cực, nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng áp dụng Nghị quyết 42 sẽ giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến nợ xấu.
- Sau khi áp dụng Nghị quyết 42, các NH đã thu hồi và chào bán nhiều tài sản đảm bảo nhưng không ít lần bán ế, nhất là các tài sản trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Liệu các NH có giải phóng được khối nợ xấu có giá trị lớn này trước khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực cũng như khi sức mua thị trường có giới hạn?
- Thời điểm này, tắc nghẽn nợ xấu của hệ thống cơ bản đã giải quyết rồi, dòng vốn đã lưu thông. Còn việc bán tài sản đảm bảo tiếp theo được hay không phụ thuộc vào thị trường, vì đa số tài sản thế chấp NH ở nhiều dạng khác nhau, phần lớn là bất động sản. Có những tài sản về pháp lý có thể mua bán được, có những tài sản vướng pháp lý chưa thể mua bán được, hoặc có những loại bất động sản bán thành phẩm hay các nhà máy xí nghiệp không có triển vọng phát triển được.
Thực tế có những tài sản vướng pháp lý chưa thể mua bán được, hoặc có những loại bất động sản bán thành phẩm hay các nhà máy xí nghiệp không có triển vọng phát triển được. |
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ cho đến thời điểm này, so với những kỳ vọng đặt ra khi thành lập VAMC?
- Tôi cho rằng VAMC là tổ chức mang tính tình thế và cũng làm được một số chức năng, chẳng hạn như nhận nợ để tạo điều kiện tương đối cho NH hoạt động được, vì nhiều NH bị tắc cho vay trước khi có VAMC. Nhưng cũng đã đến lúc xem lại vai trò và cách tổ chức để không chỉ VAMC, mà các tổ chức mua bán nợ tham gia được vào thị trường mua bán nợ, hoạt động theo cơ chế thị trường, để VAMC hoạt động đúng chức năng của một công ty quản lý tài sản hay công ty mua bán nợ.
Ảnh minh họa.
VAMC trước đây giữ hộ tài sản, nhưng cũng tạo điều kiện để NH giải phóng bớt nợ xấu để hoạt động tín dụng bình thường. Song để VAMC hoạt động tốt hơn, cần phải có “tiền tươi thóc thật” để mua đứt bán đoạn thay vì giữ hộ, quản lý thay các NH, mà phải tiến tới một tổ chức mua bán nợ. Muốn vậy, VAMC phải có vốn điều lệ tương xứng. Việc bổ sung tăng vốn điều lệ để VAMC trở thành một tổ chức có tiềm lực để thực hiện mua đứt bán đoạn, và tham gia chủ đạo trong thị trường mua bán nợ trong tương lai. Khi thành lập VAMC, tôi cũng đã nói vốn điều lệ quá nhỏ, VAMC không làm được nhiều việc mà chỉ giữ hộ tài sản. Do đó, bổ sung vốn điều lệ là cần thiết.
Hiện NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cấp bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay và 10.000 tỷ đồng trong năm tới. Nhưng bên cạnh bổ sung vốn cần phải tạo được đầu ra. Do đó, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, cần tổng kết lại xem luật pháp hiện hành cần sửa những quy định nào để tạo thông thoáng cho vấn đề mua bán nợ.
- VAMC và 20 công ty mua bán nợ của các nhà băng (AMC) đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC, và dự kiến chuẩn bị trình NHNN đề án thành lập Sàn giao dịch nợ xấu. Đây là một tín hiệu tích cực, nhưng ở góc nhìn của ông liệu bao lâu nữa Việt Nam mới có một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh?
- Một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh đầu tiên cần có những công ty có tiềm lực tài chính trực thuộc các định chế tài chính NH và phi NH. Tài sản tham gia thị trường phải là tài sản pháp lý minh bạch, có thể chuyển nhượng được. Hiện khó khăn nhất là một số tài sản gắn với đất chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, hay không thể chuyển nhượng cho các chủ thể nước ngoài. Đó là những lý do mà thị trường mua bán nợ khó phát triển. Muốn xử lý cần có khung pháp lý liên quan nhiều luật để tạo sự vận hành, chuyển dịch các tài sản thế chấp.
Thứ hai, cơ chế hiện nay quốc doanh sợ rủi ro cũng là một rào cản. Nhiều tài sản trước đây định giá 100 đồng, nhưng bây giờ bán 30 đồng xem như thất thoát gây khó khăn cho việc mua bán. Tức là các yếu tố thị trường chưa hình thành và phải tạo ra cơ chế vận hành thị trường, lúc đó mới có thị trường mua bán nợ. Trong thị trường đó, phần lớn công ty mua bán nợ phải là khu vực tư nhân tham gia, còn nếu công ty thuộc NHTM có vốn nhà nước hay VAMC tham gia, vẫn thuộc cơ chế quốc doanh rất khó thông. Do đó, dù hoạt động mua bán nợ vẫn đang diễn ra, nhưng để bổ sung hệ thống luật pháp cho một thị trường mua bán nợ theo thông lệ quốc tế có lẽ còn phải nhiều năm nữa.
- Liên quan tới việc NH vào cuộc xử lý nợ xấu tại các dự án yếu kém, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị NHNN chủ động xây dựng đề án xử lý nợ xấu cho các dự án yếu kém. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, đây là cách xử lý trong nội bộ nhà nước, nhất là đối với các đại dự án đang tắc nghẽn. Những vấn đề như vậy phải có đề án như chỉ đạo, vì những dự án đó liên quan đến tài sản nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống NHTM có vốn nhà nước. Có lẽ với một đề án như vậy, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, tương tự vừa rồi Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề thuế không thu được. Trước đây chúng ta cũng đã có nhiều lần tiền lệ xử lý công nợ giai đoạn 1, giai đoạn 2 và có lẽ lần này cũng có hướng xử lý như vậy. Nhưng lần này tôi nghĩ không thể xử lý đơn thuần nhà nước chịu trách nhiệm hết mà phải đẩy ra thị trường, thậm chí xem đây là một hình thức mua bán nợ.
Cũng nói thêm, hiện nay phần lớn khoản nợ từ 2012 đến nay đã trích lập hết, bán được thì NH sẽ thu hồi thêm tiền. Nhưng thực tế lại có nhiều trường hợp xảy ra như NH không muốn bán, hoặc không bán được và ngại bán. Đơn cử có những NH không dám bán nhiều khoản nợ xấu vì sợ trách nhiệm, bởi tài sản thực chất chỉ có giá 30 đồng nhưng trước đây NH nhận thế chấp 100 đồng. Hoặc muốn bán được tài sản đó, NH phải hạ giá nhưng hạ giá sẽ chịu trách nhiệm vì gây thất thoát vốn. Cần có khung pháp lý xử lý vấn đề này.
Đồng thời, không loại trừ một số dự án có tiêu cực khi cấp tín dụng, nên nhiều đơn vị chấp nhận treo khoản nợ xấu đó trên bảng cân đối tài sản. Các TCTD đã trích lập dự phòng hết nhưng không dám đem ra bán rẻ để thu hồi, vì sợ quy lại trách nhiệm liên quan đến vấn đề thế chấp. Đó là những vấn đề ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu đối với các dự án yếu kém.
- Xin cảm ơn ông.