Sau thương vụ hợp nhất 3 NH đầu tiên, đến nay bước sang đầu quý II-2012 vẫn chưa có thêm NH nào tiến hành hợp nhất, sáp nhập. Tuy nhiên trong cuộc họp tới đây của NHNN với 14 NHTM lớn, bên cạnh tập trung xử lý nợ xấu, nội dung cuộc họp sẽ bàn đến vấn đề xử lý 9 NHTM yếu kém trong diện bị xử lý, nhất là xử lý các khoản tiền gửi, cho vay trên liên NH (thị trường 2).
Không thể vội vàng
Chiếu theo công bố trước đây của NHNN trong quý I-2012 sẽ có 5-8 NHTM tiến hành hợp nhất, sáp nhập, có thể thấy tiến trình tái cấu trúc NHTM yếu kém đang diễn ra khá chậm. Nhiều câu hỏi đặt ra vì sao NHNN chưa có động thái quyết liệt hay chờ các NHTM yếu kém tự nguyện hợp nhất, sáp nhập?
Nhiều lo ngại nếu quá trình tái cấu trúc diễn ra trì trệ sẽ tác động ngược trở lại thị trường tiền tệ làm giảm niềm tin của người dân với hệ thống NHTM. Nhất là việc chậm xử lý các NHTM yếu kém khiến nợ xấu trên thị trường liên NH kéo dài, gây thiệt hại cho một số NHTM khỏe mạnh đã cho vay các NHTM yếu kém này vay vốn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, không thể vội vàng trong việc xử lý các NH yếu kém. Bởi lẽ việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập 2 hay 3 NHTM yếu kém với kỳ vọng sẽ thành một NHTM khỏe mạnh không đơn giản. “Bệnh tật” của các NHTM yếu kém không giống nhau nên cần có thời gian bắt mạch để tìm thuốc trị liệu phù hợp.
Trong đó, không loại trừ có trường hợp phải dùng cơ chế xử lý đặc biệt chưa có tiền lệ. Hơn nữa, hiện tại NHNN đang dần hoàn thiện các hành lang pháp lý cho việc tái cấu trúc hệ thống NHTM. Thời điểm này chỉ có thể kỳ vọng NHNN giám sát chặt chẽ hoạt động NHTM yếu kém và có biện pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời, nhằm tránh các NHTM này lách luật trong hoạt động, gây bất ổn thị trường.
Tuy nhiên, giới NH thừa nhận việc sắp xếp, xử lý các NHTM yếu kém chậm trễ đang tạo nên sự bất ổn trong chính nội bộ các NHTM yếu kém. Đơn cử, đầu tiên là lãnh đạo “dàn khung” ở các NHTM nhỏ được dự đoán nằm trong danh sách 9 NHTM yếu kém sẽ có tâm lý bất an về việc sắp xếp nhân sự khi việc hợp nhất diễn ra. Thực tế đã có không ít người đang âm thầm tìm kiếm vị trí mới ở NHTM khác.
Điều này vô tình càng gây khó cho các NHTM yếu kém. Chưa kể thông tin đồn đoán kéo dài cũng tạo tâm lý bất an trong nhân viên. Theo nhiều chuyên gia, sau khi cho phép thực hiện hợp nhất 3 NH đầu tiên, NHNN có thể rút ra được bài học kinh nghiệm khi hợp nhất, sáp nhập các NHTM khác.
Việc lỡ hẹn xử lý NHTM yếu kém không phải là vấn đề đáng lo ngại, mà hiệu quả mang lại trong hoạt động của NH sau tái cấu trúc mới quan trọng. Vì thế đòi hỏi NHNN phải tính toán chặt chẽ cách thức tổ chức, cơ cấu nhân sự, chi phí, việc tham gia của nhà đầu tư mới… đối với NHTM yếu kém. Có như vậy những NHTM sau hợp nhất, sáp nhập mới phát triển một cách hòa hợp và bền vững.
Gỡ khó trước mắt
Từ cuối quý I-2012 đến nay lãi suất trên thị trường liên NH luôn ở mức rất thấp khiến hoạt động kinh doanh của các NHTM trên thị trường này rất èo uột. Thời điểm này những NHTM có thế mạnh kinh doanh trên thị trường liên NH buộc phải dùng vốn chủ yếu mua tín phiếu kho bạc nhà nước, trái phiếu chính phủ, thay vì tập trung cho các NHTM vay lẫn nhau.
Một phó tổng giám đốc NH cổ phần cho biết hiện tại trên thị trường liên NH chỉ những NHTM khỏe chơi với nhau, nhưng các NHTM này đều trong tình trạng thừa vốn nên hoạt động vay mượn giải quyết thanh khoản gần như không có.
Trong khi đó các NHTM bậc trung và nhỏ khi có nhu cầu vay lại bị các NHTM lớn gây khó khăn như yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Còn những NHTM nhỏ yếu kém hầu như không thể chen được vào thị trường này.
Trong cuộc họp vừa qua với 14 NHTM lớn, NHNN kêu gọi các NHTM nên giảm bớt những yêu cầu quá khắt khe trong hoạt động liên NH để thị trường có thể hoạt động bình thường trở lại. Điều này là cần thiết để giúp thị trường tiền tệ vận hành một cách ổn định, tránh tình trạng một số NHTM nhỏ vì khó vay trên liên NH đã xé rào vượt trần lãi suất, tạo nên sóng mới cho lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường dân cư.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NH cổ phần, tình trạng nợ xấu liên NH trong năm qua cũng để lại bài học cay đắng cho nhiều NHTM, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận trong năm 2011 của các NH. Hơn nữa, theo sửa đổi mới của NHNN về phân loại nợ, nhiều khả năng những khoản nợ tín dụng trên thị trường liên NH cũng phải được phân loại và trích lập dự phòng rủi ro.
Vì vậy, thời điểm này trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống NHTM đang tăng nhanh, các NHTM sẽ phải cẩn trọng hơn khi cho các NHTM yếu vay vốn, ngoại trừ NHNN có cơ chế bảo lãnh đặc biệt với các NHTM nhỏ. Nhiều kỳ vọng trong cuộc họp kỳ tới của NHNN với 14 NHTM lớn sẽ tìm ra hướng xử lý dứt điểm các khoản tiền gửi, tiền vay trên liên NH. Khi đó, thị trường liên NH mới vận hành lại bình thường trên cơ sở niềm tin như trước đây.