Xu thế mobile banking

(ĐTTCO)-Sự phổ biến của các thiết bị di động đang thúc đẩy nhiều phương thức thanh toán điện tử phát triển. Trước xu hướng đó, các NH đang chuyển dịch mạnh mẽ từ internet banking sang mobile banking và tăng cường dịch vụ hơn trước để cạnh tranh thanh toán di động.
Xu thế mobile banking
Xây dựng chiến lược chuyển đổi số
Cuộc sống của giới trẻ ngày nay gắn liền với thiết bị di động: thức dậy với đồng hồ báo thức, đọc tin qua mạng xã hội; liên lạc với bạn bè, người thân, khách hàng qua các ứng dụng chat; đặt taxi, thức ăn, đặt vé máy bay, khách sạn qua ứng dụng; mua vé xem phim trực tuyến...
Nắm bắt xu hướng này, sau thời gian tập trung thiết kế ứng dụng mobile banking đáp ứng sử dụng các dịch vụ tài chính, hiện các NHTM đang đẩy mạnh nhiều dịch vụ khác để gia nhập hệ sinh thái số.
Phó tổng giám đốc của một NHTMCP cho rằng, dù CMCN 4.0 được nói đến rất nhiều nhưng thực tế chưa tác động sâu rộng tại Việt Nam. Song nhìn ở góc độ NH, khi 53% dân số sở hữu điện thoại di động thông minh (đứng thứ 25 trên thế giới), cộng với những tiến bộ về công nghệ liên quan đến thiết bị di động đang thay đổi nhanh chóng thói quen của người tiêu dùng, yêu cầu thay đổi cách thiết kế và phân phối sản phẩm cho khách hàng cá nhân qua phát triển các dịch vụ mobile banking không thể chậm trễ hơn.
Nếu trước đây mobile banking chú trọng đến dịch vụ tài chính NH, nay khách hàng có thể thực hiện tất cả nhu cầu dịch vụ đời sống hàng ngày như mua sắm, du lịch, nhà hàng, khách sạn… trên ứng dụng này.
Số liệu của Vụ Thanh toán NHNN cho thấy, hiện có khoảng 94% NH trong hệ thống triển khai, nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 35% NH đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Đặc biệt, các NH nhóm đầu và nhóm giữa đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, đem lại kết quả tích cực. Chỉ riêng mảng thanh toán, 9 tháng năm 2018, 41 tổ chức cung ứng dịch vụ triển khai thanh toán qua điện thoại di động đạt tổng cộng 122 triệu lượt giao dịch, với giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng gần 30% về số lượng và 126% về giá trị so với cả năm 2017. Giá trị giao dịch tăng nhanh bởi ứng dụng mobile banking có thể sử dụng để thanh toán tất cả loại hóa đơn như điện, nước, truyền hình, viễn thông, vé máy bay, học phí… 
Gần đây, một số NH triển khai ứng dụng trợ lý ảo, tư vấn dịch vụ 24/7 trên mạng xã hội, xây dựng kho dữ liệu lớn thu thập tự động từ nhiều nguồn, phân tích hành vi khách hàng nhằm cung ứng sản phẩm phù hợp, mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng mobile banking.

Cơ hội nâng tầm nhờ mã QR
Đầu năm nay, Sacombank hợp tác triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR với tổ chức thẻ quốc tế Nhật Bản JCB. Theo đó, các chủ thẻ tín dụng Sacombank JCB khi thực hiện giao dịch mua sắm, có thể dùng thiết bị di động quét mã QR để thanh toán thay cho phương pháp quẹt thẻ hay chạm thẻ truyền thống.
Tương tự, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Indovina, SCB, NCB, TPBank… cũng áp dụng giải pháp thanh toán mã QR vào mobile banking để thêm kênh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 
Thí dụ, tại một cửa hàng đồ chơi cao cấp tại TPHCM mở ứng dụng mobile banking của SCB và quét mã QR của cửa hàng. Khi khách hàng mua sản phẩm, chỉ cần ứng dụng mobile banking được cài đặt sẵn, việc thanh toán chỉ diễn ra trong khoảng 30 giây, không cần tiền mặt, không cần cà thẻ, không cần chuyển tiền từ tài khoản NH vào ví điện tử.
Bản thân các NH cũng thừa nhận, triển khai mã QR sẽ giúp nâng tầm mobile banking trong thời gian tới. Hình thức thanh toán này giúp NH thanh toán nhỏ lẻ trong đời sống hàng ngày, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cá nhân đã cài đặt ứng dụng. Hiện thanh toán bằng mã QR được khoảng 18 NHTM và các tổ chức trung gian thanh toán triển khai, đạt hơn 15 triệu người dùng và trên 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR.
NHNN cũng đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở cho thanh toán bằng QR Code, thống nhất chuẩn chung, giúp ứng dụng của NH này có thể quét thanh toán của NH kia, thuận tiện cho khách hàng và có lợi cho NH trong việc phát triển mạng lưới và tiết kiệm được thanh toán POS. 
Hiện nhà quản lý kỳ vọng những nỗ lực của NH và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trong việc triển khai mã QR, sẽ mở ra tương lai thanh toán tiện ích, không cần đến máy POS, chỉ cần dùng thiết bị di động quét mã. Khi làm được điều đó, chi phí để đầu tư cho thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm xuống, lượng giao dịch tăng lên nhờ sự thuận tiện của dịch vụ.
Song để đi nhanh đến tương lai đó, NH cần có những cam kết chắn chắn về vấn đề bảo mật, đồng thời đảm bảo hoạt động của dịch vụ mobile banking không rơi vào tình trạng nghẽn hoặc khó giao dịch khi ngoài giờ làm việc hành chính.

Các tin khác