Với chiều hướng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) dự báo năm 2018 xuất khẩu cá tra có khả năng vượt ngưỡng 2 tỷ USD.
Tăng trưởng không theo quy hoạch
Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên để ngành hàng cá tra phát triển bền vững còn rất nhiều việc phải làm, nhất là một số nước trên thế giới bắt đầu đẩy mạnh việc nuôi cá tra để cạnh tranh với Việt Nam...
Năm 2018 là năm ngành xuất khẩu cá tra tạo bước đột phá và có thể đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Song, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi và chế biến, xuất khẩu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Ông NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT |
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng cao 28.000- 32.000 đồng/kg, giúp người nuôi lời đậm. Kể từ tháng 7-2018 đến nay, giá cá giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg, vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Giá thành nuôi cá tra từ 22.400- 23.000 đồng/kg, vì vậy hầu hết người nuôi cá đều có lãi cao trong thời gian qua. Lợi nhuận đảm bảo nên nông dân và DN đẩy mạnh đầu tư nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 227ha, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, nuôi cá tra ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) tâm sự: “Sau thời gian lận đận thì khoảng 1 năm nay người nuôi cá tra “ăn nên làm ra”. Cá tra đang lấy lại vị thế trên thương trường...”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 19%. Các thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN đều tăng trên 2 con số; trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất với hơn 41% so cùng kỳ và chiếm hơn 24% về thị phần.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Nam Việt nhận định: “Xuất khẩu cá tra năm nay khá ổn định và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục sôi động, bởi nhu cầu tiêu thụ tăng. Hiện công ty đang tập trung chế biến và mở rộng thị trường hy vọng về đích sớm...”.
Thu hoạch cá tra ở An Giang.
Nuôi cá tra và xuất khẩu có lời đã kéo theo phong trào sản xuất con giống phát triển rầm rộ nhằm phục vụ người nuôi mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích ương cá tra giống ở ĐBSCL đạt khoảng 3.587ha, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thời gian qua nhiều hộ dân ở Long An đã tự phát chuyển đổi đất lúa sang ương cá tra giống ào ạt.
Tổng diện tích ương cá tra giống của tỉnh Long An 1.311ha, tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017. Trước thực trạng bùng nổ nghề ương cá tra giống ở Long An không theo quy hoạch, Bộ NN-PTNT yêu cầu tăng cường quản lý ương cá tra giống; tuyên truyền cho người dân không đào ao trái quy hoạch; hướng dẫn người dân kỹ thuật quản lý, chăm sóc và phòng ngừa bệnh dịch...
Hướng tới mục tiêu bền vững
Bộ NN-PTNT lưu ý, hiện nay nhiều quốc gia nhập khẩu các sản phẩm cá tra đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn. Thị trường Ả Rập Xê út và khối các nước Hồi giáo Trung Đông có nhiều quy định nghiêm ngặt về đóng gói, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn Halal.
Hướng tới mục tiêu bền vững
Bộ NN-PTNT lưu ý, hiện nay nhiều quốc gia nhập khẩu các sản phẩm cá tra đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn. Thị trường Ả Rập Xê út và khối các nước Hồi giáo Trung Đông có nhiều quy định nghiêm ngặt về đóng gói, chất lượng sản phẩm, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn Halal.
Thị trường EU chịu sự cạnh tranh của một số loài cá thịt trắng; trong khi thị trường Mexico và Brazil giảm. Đối với thị trường Trung Quốc hiện đang là khách hàng tiêu thụ sản phẩm cá tra của nước ta nhiều nhất, nhưng đây là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Còn thị trường Hoa Kỳ gặp khó về thuế chống bán phá giá…
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe trăn trở: “Thêm một thách thức không nhỏ là nhiều nước tăng cường nuôi cá tra. Cụ thể như: Ấn Độ nuôi khoảng 650.000 tấn cá tra mỗi năm, Bangladesh nuôi 450.000 tấn, Indonesia nuôi 110.000 tấn… và hiện nay Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam, với hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, mật độ nuôi thưa, giá thành thấp…
Điều này cho thấy Trung Quốc có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra tiềm năng trên thế giới. Do đó, cộng đồng DN, ngành chức năng… cần có giải pháp bảo vệ sản xuất, giữ vững chất lượng, thương hiệu cá tra Việt Nam trên thương trường quốc tế. Ngoài ra, cần nhanh chóng nghiên cứu cải tiến ngành nuôi, chế biến cá tra theo hướng bền vững; đối với chất lượng phải chú trọng nâng cao hơn nữa mới có thể cạnh tranh trong thời gian tới”.
Ông Trương Đình Hòe cũng đề nghị phân công một cơ quan quản lý toàn diện theo chuỗi, thay thế cho việc nhiều cơ quan quản lý từng khâu của chuỗi sản xuất tiêu thụ cá tra. Ngoài ra tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất bằng đường bộ qua biên giới…
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, để tăng sức cạnh tranh các DN cần xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển nhiều mặt hàng giá trị gia tăng. Về lâu dài, ông Quốc đề nghị nên nghiên cứu hình thành trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL tại Cần Thơ. Khu logistics đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Trung tâm logistics đạt chuẩn quốc tế sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế…