Xuất khẩu dệt may, thủy sản: Mừng kết quả 2022, đón thách thức 2023

(ĐTTCO) - Dù những tháng cuối năm gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm sút, ngành dệt may và thủy sản vẫn kết thúc năm với kết quả tích cực. Dệt may về đích với kim ngạch dự kiến đạt 44 tỷ USD, còn thủy sản vượt mục tiêu khi mang về khoảng 11 tỷ USD. Tuy vậy, niềm vui vừa qua thách thức đã hiển hiện khi năm 2023 được dự báo sẽ lắm gian nan.
Xuất khẩu dệt may, thủy sản: Mừng kết quả 2022, đón thách thức 2023

2 kịch bản cho ngành may

Tại hội nghị tổng kết ngành may năm 2022, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết năm nay ngành dệt may đã trải qua những bước thăng trầm, những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng vẫn mang về kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản 3,9 tỷ USD…

Nhìn lại năm 2022 các doanh nghiệp (DN) đều đồng ý có 2 giai đoạn rõ rệt: 6 tháng đầu năm không khí phấn khởi khi xu hướng đặt hàng tăng mạnh, đặc biệt diễn ra trong suốt quý I. Quý II mức tăng trưởng bắt đầu chậm hơn nhưng vẫn tích cực. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm sự sụt giảm từng bước nặng nề hơn, một phần do sức mua đã tăng mạnh trong quý I, II, nhưng phần quan trọng hơn do tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia, tâm lý người tiêu dùng bất an khiến cầu đột ngột co rút.

Bước qua năm 2023, ngành may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản tích cực là ngành may có thể đạt 47-48 tỷ USD, và kịch bản ít tích cực hơn là toàn ngành sẽ đạt 45-46 tỷ USD. Song phía sau 2 kịch bản này là nhiều lo lắng của các DN khi bước vào năm 2023. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết kết quả khảo sát mới nhất của Mckinsey về cụm sản phẩm có khả năng tăng trưởng trong năm 2023, trong đó dệt may và da giày nằm trong nhóm có khả năng phục hồi nhu cầu rất thấp so với các ngành khác.

Cụ thể, năm 2023 ngành may đứng trước thách thức thiếu đơn hàng và khách hàng kéo dài thời gian thanh toán. Theo thông lệ hàng năm, quý IV năm trước các DN đã nhận đơn cho quý I, quý II năm sau. Song hiện nay tình hình thiếu đơn hàng trong những tháng đầu năm tới đang diễn ra ở không ít DN. Một nỗi lo khác cũng được nhắc tới là giá gia công sản phẩm của Việt Nam hiện cao hơn nhiều quốc gia cạnh tranh, do đồng nội tệ của các quốc gia này giảm mạnh so với USD.

Năm 2022 Việt Nam đồng giảm khoảng 5%, trong khi đồng taka của Bangladesh giảm 15%, nhân dân tệ giảm 10%, rupee Ấn Độ giảm 7,8% và rupee của Pakistan giảm 25%. Điều này khiến giá gia công sản phẩm của Việt Nam cao hơn 10-30% so với mặt bằng chung.

Ngoài những thách thức trước mắt, ngành may đang đặt ra nhiều thách thức trong dài hạn về tốc độ tăng trưởng, đầu tư công nghệ xanh và sản xuất xanh. “Hiện nay các lợi thế của dệt may Việt Nam so với các quốc gia khác không còn nhiều, thậm chí nếu so sánh với Bangladesh về tiếp cận công nghệ và sản xuất xanh, chúng ta không còn lợi thế nào” - ông Lê Tiến Trường chia sẻ. Theo đánh giá, nếu Việt Nam muốn duy trì vị trí thứ 3 về xuất khẩu may mặc trên thế giới phải bứt tốc trong 2023, 2024 và 2025. Một điều không hề dễ dàng.

Thủy sản nhiều nỗi lo sau kỷ lục

Đến hết tháng 11 thủy sản đã cán đích 10 tỷ USD, cả năm dự kiến mang về 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành. Trong đó xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD, cá tra 2,5 tỷ USD, hải sản 3,2 tỷ USD và cá ngừ 1 tỷ USD. Nhìn chung, các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng 2 con số 18-77%.

Đặc biệt, thị trường Mỹ lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD và Anh trở thành thị trường lớn thứ 7 của thủy sản Việt Nam. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, hiện Việt Nam đứng thứ 3 (sau Trung Quốc, Na Uy) và chiếm 7% thị phần trên thị trường thế giới.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết Việt Nam có sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất, các DN linh hoạt, kiên trì với thị trường và xu hướng tiêu dùng. Ngoài ra, yếu tố làm tăng trưởng ngành thủy sản năm nay đột biến, không thể loại trừ yếu tố giá cả tăng những tháng đầu năm do nhu cầu về sản phẩm thủy sản một số thị trường sau dịch tăng mạnh.

Thực tế thành tựu của ngành là kết quả của 3 quý đầu năm. Bước sang quý IV các đơn hàng suy giảm rõ rệt do nhu cầu thị trường tụt dốc. Theo đó, tháng 10 xuất khẩu thủy sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, và tháng 11 lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng thủy sản rơi xuống mức âm (giảm 14%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Lệ Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, cho biết: “Tháng 12, xuất khẩu thủy sản có thể giảm sâu hơn và đà sụt giảm kéo dài sang 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng giai đoạn quý I năm tới gần như đình trệ. Nhiều DN thủy sản cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp (mực, bạch tuộc, cá ngừ…), mà cả sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới”.

Không chỉ về đơn hàng, thị trường trong những tháng đầu năm 2023 cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện không ít DN thủy sản đang vất vả về vốn vay và lãi suất để duy trì vùng nguyên liệu và hoạt động sản xuất.

Tại hội nghị mới đây ở Cần Thơ, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết nỗi lo lớn nhất hiện nay của DN là làm sao có đủ 200 tỷ đồng mua tôm nguyên liệu và trả lương cho cán bộ công nhân viên. Nếu không mua tôm nguyên liệu, với đà giá tôm giảm hiện nay người nuôi sẽ treo ao. Nỗi lo vốn của DN tưởng như được tháo gỡ khi cuối tháng 11 ngân hàng có giải ngân, nhưng lãi suất quá cao khiến DN không dám vay. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều DN hiện nay.

Năm 2023, nếu ngành may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu cả tích cực và tiêu cực, thì ngành thủy sản phải nỗ lực để gỡ thẻ vàng IUU và tận dụng tốt các FTA.

Các tin khác