Xuất khẩu thủy sản đạt gần 6 tỷ USD, áp lực đổ dồn vào 6 tháng cuối năm

(ĐTTCO) -  Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đã thu được kết quả khá ấn tượng, tuy nhiên áp lực đối với ngành này trong những tháng còn lại của năm rất lớn, khi lạm phát và giá nguyên, nhiên liệu đầu vào đang tăng nhanh, có thể bào mòn lợi nhuận thực của doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết quý II-2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 3,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, xuất khẩu tôm vẫn giữ vị trí đầu khi đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ 2021. Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến nửa đầu năm tăng 17%, trong khi xuất khẩu tôm tươi/đông lạnh tăng 21%. 
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục khi đạt kim ngạch gần 130 triệu USD trong 6 tháng qua, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sú nửa đầu năm vẫn tăng 20% so với cùng kỳ 2021, đạt hơn 300 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản đạt gần 6 tỷ USD, áp lực đổ dồn vào 6 tháng cuối năm ảnh 1 Áp lực đang đổ dồn lên ngành thủy sản vào những tháng cuối năm khi diễn biến được dự báo có nhiều bất lợi.
Với mặt hàng cá tra, xuất khẩu sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá gấp 6 lần cùng kỳ 2021, sang Tây Ban Nha tăng gấp gần 3 lần, sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng qua, xuất khẩu cá tra cả nước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 1/4 doanh số xuất khẩu thuỷ sản.
Với cá ngừ, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 553 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ, trong đó hơn một nửa xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn, tăng trưởng cao.
Về mặt hàng mực, bạch tuộc, trong 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu mực đạt 197 triệu USD, tăng 45%, bạch tuộc đạt 147 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua, ghẹ và các loại cá khác 6 tháng đầu năm nay đều đạt tăng trưởng 11-54% so với cùng kỳ.
Tuy con số xuất khẩu có sự tăng trưởng ấn tượng, song nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại áp lực đang đè nặng lên ngành thủy sản trong 6 tháng còn lại. 
Theo đại diện VASEP, dự báo xuất khẩu ngành của cả năm nay có thể chỉ đạt 10 tỷ USD do những yếu tố không thuận lợi trong nửa cuối năm. Cụ thể, những yếu tố tác động gồm có lạm phát ở mức cao đang lan rộng tại các thị trường khiến người dân thắt chặt chi tiêu, chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc, chi phí vận chuyển quốc tế tiếp tục duy trì ở mức cao… 
Đối với hải sản khai thác trong nước, những tháng quý II và cuối năm nay, do giá xăng dầu tăng, ngư dân các tỉnh không dám ra khơi vì lỗ chi phí dẫn đến nguyên liệu ngày càng khó khăn.

Các tin khác